Sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đến nay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có nhiều bất cập, đòi hỏi phải có sự bổ sung, sửa đổi kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong vòng 5 năm qua, từ năm 2018 đến năm 2022, các cơ quan chức năng đã tiến hành đấu tranh và xử lý hơn 19.000 vụ, hơn 31.000 đối tượng có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đây là những hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, trật tự xã hội và an toàn của người dân. Trong số các loại hành vi vi phạm này, có một loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao nhất và ngày càng gia tăng, đó là tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí giống như vũ khí thô sơ (như dao, kiếm…) và các bộ phận để lắp ráp. Theo thống kê, trong 5 năm qua, đã có hơn 14.000 vụ (chiếm 76%) và hơn 22.000 đối tượng (chiếm 72,6%) bị xử lý về loại tội phạm này.
Riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, từ năm 2018 - 2022, đã phát hiện 115 vụ gồm 181 đối tượng vi phạm. Trong đó: 01 vụ, 01 đối tượng chế tạo trái phép; 6 vụ, 8 đối tượng vận chuyển trái phép; 22 vụ, 23 đối tượng tàng trữ trái phép; 86 vụ, 149 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Công an thành phố Kon Tum tổ chức tiêu huỷ số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (nguồn ảnh: congan.kontum.gov.vn)
Đây là một loại tội phạm rất nguy hiểm và phức tạp, có xu hướng tăng lên không ngừng từ năm này sang năm khác. Nếu so sánh giữa năm 2022 và năm 2019, số vụ án và số đối tượng liên quan đến loại tội phạm này đã tăng lên đáng kể (năm 2022 có 1.127 vụ, 1.782 đối tượng, so với năm 2019 tăng 128 vụ 350 đối tượng). Nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức và tội phạm đường phố đã lợi dụng các loại vũ khí này để gây ra nhiều án mạng đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận và khó khăn cho công tác điều tra xử lý.
Do vậy, việc sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là điều cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế. Đây là một biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đồng thời góp phần ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.