Tạo hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong tình hình hiện nay về trật tự, an toàn giao thông
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Luật được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.
Giao thông đường bộ là một trong những lĩnh vực có vai trò chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, trên toàn quốc có tổng chiều dài đường bộ 595.201 km, trong đó, đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25.560 km; thống kê Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, tổng số xe trên cả nước đã đăng ký tính đến ngày 14/12/2022 là 5,8 triệu ô tô, hơn 72,1 triệu mô tô, xe máy và gần 2 triệu xe máy điện. Giao thông đường bộ đã góp phần quan trọng vào việc kết nối các vùng miền, thúc đẩy thương mại, du lịch, giảm nghèo và cải thiện môi trường. Cùng với đó, giao thông đường bộ là một trong những ngành có nhiều khó khăn và thách thức, cần được quản lý và điều hành một cách hiệu quả và khoa học. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết để tạo ra một khung pháp lý thống nhất, minh bạch và hiện đại cho lĩnh vực này.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, hiện nay, kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn kém; vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay: Đã xảy ra 378.147 vụ tai nạn giao thông, làm chết 123.193 người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 367.551 người , gây thiệt hại rất lớn về tài sản, so với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam ở mức cao, trong đó nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ; do an toàn kỹ thuật phương tiện và công trình giao thông đường bộ chỉ chiếm gần 10% số vụ. Những con số này cho thấy sự thiếu sót trong việc giáo dục và rèn luyện ý thức tuân thủ luật lệ của người dân khi tham gia giao thông. Nếu không có một luật mới, phù hợp với thực tiễn và có tính răn đe cao, thì tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống và sức khỏe của người dân.
Các hành vi vi phạm hiện nay không chỉ đơn thuần về giao thông mà còn liên quan đến các vấn đề gây mất an ninh, trật tự, như: tụ tập đông người, biểu tình trái pháp luật trên các tuyến giao thông (vụ biểu tình phản đối công ty Formosa trên tuyến quốc lộ 1A vào các năm 2016, 2017; biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu trên tuyến quốc lộ 1A tại Bình Thuận vào năm 2018…); tụ tập gây cản trở giao thông tại các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; nhiều loại tội phạm như ma túy, cướp, cướp giật, trộm cắp, vận chuyển trái phép vũ khí, chất nổ… đều diễn ra trên các tuyến giao thông đường bộ; đã phát hiện, bắt và bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 48.330 đối tượng phạm pháp hình sự. Dự báo trong thời gian tới, khủng bố, biểu tình trái pháp luật, lợi dụng hoạt động giao thông để gây rối an ninh, trật tự và phạm tội có nguy cơ thường trực trên các tuyến giao thông đường bộ. Để ngăn chặn và xử lý những hành vi này, cần có một luật mới, có tính toàn diện và hiệu quả cao, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông, người sử dụng đường bộ và các cơ quan có liên quan; xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm; bảo vệ an ninh, trật tự.
Từ những phân tích ở trên cho thấy việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu các nội dung về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tách bạch với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, trên cơ sở kế thừa Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật và bổ sung một số quy định mới, tạo ra một hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong tình hình hiện nay về trật tự, an toàn giao thông là rất cần thiết.