A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Đem lại nhiều ưu điểm, lợi ích, đồng thời cũng tiềm ẩn những hạn chế, thách thức

Phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Đem lại nhiều ưu điểm, lợi ích, đồng thời cũng tiềm ẩn những hạn chế, thách thức

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

C:\Users\ADMIN\Desktop\phien-toa-truc-tuyen-220322-2.jpg

Quang cảnh phiên tòa trực tuyến – Điểm cầu trung tâm (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Hiện nay, nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hoá các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật… trong hoạt động tại Tòa án, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng. Vì vậy việc chuyển từ hình thức xét xử trực tiếp sang hình thức xét xử trực tuyến là cần thiết, phù hợp.

Ngày 12 tháng 12 năm 2021, Quốc hội Khóa XV ra Nghị quyết số 33/2021/QH15 cho phép Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ vụ án liên quan bí mật Nhà nước; nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức phiên tòa trực tuyến, xét xử online khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thay vì phiên tòa truyền thống trực tiếp như trước đây là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.

C:\Users\ADMIN\Desktop\logo-1944d57dc29d0dc3548c-16475854959901102010705.jpeg

Điểm cầu xét xử tại nơi giam giữ (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Phiên tòa xét xử trực tuyến được sử dụng phần mềm có các chức năng như: Quản lý thông tin, hồ sơ vụ án; điều khiển thiết bị camera, âm thanh, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; chức năng quay video toàn bộ diễn biến phiên tòa; chuyển đổi giọng sang văn bản để hỗ trợ Thư ký ghi biên bản phiên tòa.

Phiên tòa xét xử trực tuyến đem lại nhiều ưu điểm và lợi ích như: giúp công dân được tiếp cận công lý tốt hơn; không cần phải tốn tiền đi lại cho các nhân viên, chuyên viên, lực lượng áp giải, bảo vệ; đảm bảo an toàn cho lực lượng áp giải và bị cáo từ nơi giam giữ đến nơi xét xử; cho phép luật sư xử lý một số lượng lớn các vụ việc trong một ngày và họ có thể tranh tụng tại bất kỳ tòa án nào ở bất kỳ vùng nào của đất nước.

Việc thực hiện tham gia phiên tòa trực tuyến đang phù hợp với định hướng của việc xét xử trực tuyến theo Nghị quyết 33/QH đề ra, và hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 như yêu cầu giãn cách, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người dễ làm dịch bệnh lây lan…

Việc chuyển từ hình thức tham dự trực tiếp phiên tòa xét xử sang tham dự trực tuyến vẫn bảo đảm nguyên tắc việc theo dõi phiên tòa trọn vẹn, khách quan, toàn diện. Người tham dự phiên tòa có thể nhiều hơn các phiên tòa tham dự trực tiếp, nhất là đối với những Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên, thư ký tòa án… đang là F0 thể nhẹ, F1 đang bị cách ly cũng có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện việc đào tạo tại chỗ một cách liên tục. Dễ dàng kiểm tra, chỉ đạo; kiểm tra, thanh tra đột xuất bất kể lúc nào khi phiên tòa đang diễn ra. Lưu trữ lại toàn bộ hình ảnh và âm thanh của phiên tòa làm tài liệu lưu trữ, phục vụ công tác kháng nghị, xét xử phúc thẩm và phục vụ công tác nghiên cứu sau này.

Tuy nhiên, phiên tòa trực tuyến có những hạn chế và thách thức, như: việc đảm bảo an ninh trật tự trong phiên tòa trực tuyến sẽ khác với việc đảm bảo an ninh trật tự trong phiên tòa trực tiếp, bởi môi trường mạng có thể tác động, chi phối đối với hoạt động tố tụng. Vấn đề đảm bảo an ninh không chỉ tại phòng xét xử mà phải đảm bảo an ninh an toàn mạng. Đây là hình thức tổ chức xét xử mới, ban đầu đưa vào thực hiện sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thậm chí lúng túng, khó khăn đối với những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Ngoài ra, phiên tòa trực tuyến rất dễ bị lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư cá nhân, thậm chí cả bí mật Nhà nước. Có thể có những đối tượng xấu xâm nhập vào đường dẫn mạng Internet để phá rối, đánh cắp thông tin hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bởi vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thông tin trong quá trình xét xử là rất quan trọng.

Vì vậy, trong khi tiến hành phiên tòa trực tuyến cần phải đảm bảo các yêu cầu, quy định, hướng dẫn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, vận hành và quản lý hệ thống tổ chức phiên tòa trực tuyến phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu tại Tòa án và tại cơ sở giam giữ theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Thúc đẩy chuyển đổi số góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế./.

Ngọc Học


Tin liên quan