A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018

Luật Công an nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Qua gần 03 năm triển khai thực hiện, Luật Công an nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Đồng thời, Luật Công an nhân dân góp phần quan trọng trong việc “xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công tác Công an được nâng cao; tổ chức bộ máy của Bộ Công an và Công an các cấp được kiện toàn một bước; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có bước phát triển sâu rộng, vững chắc; hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ngày càng được nâng cao.

Lực lượng Công an nhân dân là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước,
Tổ quốc và Nhân dân

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân năm 2018 cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập sau:

Thứ nhất, quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an chưa đảm bảo tương quan với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021), theo đó khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và người lao động tăng lên.

Thứ hai, về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác thì hiện nay trong Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể nên khó triển khai thực hiện trên thực tế.

Thứ ba, về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân. Theo Thông báo kết luận số 185/TB/TW ngày 28/10/2014 của Bộ Chính trị thì số lượng, vị trí cấp Tướng trong CAND có thể tối đa là 205. Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018 mới quy định cụ thể 199 vị trí (gồm 01 Đại tướng, 06 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng); do đó, còn có thể bổ sung 06 vị trí mới đủ 205. Bên cạnh đó, vẫn còn Thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an và 01 vị trí chức danh Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an chưa được quy định trần cấp bậc hàm cấp Tướng… tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong quy định về cấp bậc hàm đối với cùng một cấp tương đương hoặc cùng một chức danh.

Một số đơn vị hành chính có quy mô quản lý địa bàn lớn hơn cấp quận, một số đơn vị tương đương cấp Phòng (như Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo lực lượng đặc biệt, trực tiếp chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm tuyệt đối an toàn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mục tiêu, công trình, sự kiện chính trị quan trọng… nhưng mới được quy định trần cấp bậc hàm là Thượng tá là chưa phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị này.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân để thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết.

Hoàng Yến


Tin liên quan