A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tư quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân

Ngày 20/10/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 98/2021/TT-BCA quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/2021; thay thế Thông tư số 30/2015/TT-BCA ngày 03/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân.

Thông tư gồm 05 chương 16 điều; quy định nguyên tắc, địa điểm, hình thức, cán bộ tiếp công dân; trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận đơn, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; quản lý công tác tiếp công dân trong Công an nhân dân.

Áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân trong Công an nhân dân; người đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan Công an để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân trong Công an nhân dân.

Theo Thông tư, tiếp công dân được thực hiện theo nguyên tắc sau: (1) Việc tiếp công dân phải tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; (2) Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại địa điểm tiếp công dân của Công an các cấp có thẩm quyền; (3) Bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; (4) Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm: (1) Bảo đảm trang phục, tác phong theo điều lệnh Công an nhân dân; (2) Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; (3) Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; (4) Hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; (5) Thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân theo quy định; (6) Thực hiện việc phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định của Bộ Công an và các quy định của pháp luật có liên quan; (7) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý.

Xem toàn bộ nội dung Thông tư tại đây: thong-tu-98-2021-tt-bca-bo-cong-an

Thái Ngân