A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tư Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân

Ngày 01/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 117/2021/TT-BCA Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân.

Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân. Và áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công an địa phương (sau đây gọi chung là Công an các đơn vị, địa phương); cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân.

Theo đó, Thực hiện dân chủ trong công tác tiếp công dân được quy định như sau:

Về Nội dung, hình thức công khai với Nhân dân:

1. Nội dung công khai với Nhân dân: Địa chỉ nơi tiếp công dân; Họ tên, cấp bậc, chức vụ của cán bộ được phân công tiếp công dân tại nơi tiếp công dân; Nội quy, thời gian tiếp công dân thường xuyên, lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại nơi tiếp công dân.

2. Hình thức công khai với Nhân dân: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai nhưu đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

Về Trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân:

1. Chỉ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân, trường hợp tiếp công dân tại nơi khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Giải thích, hướng dẫn đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Công an cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trừ trường hợp được từ chối tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

4. Tuân thủ đúng Điều lệnh Công an nhân dân.

5. Tôn trọng và lắng nghe trình bày của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

6. Vào sổ tiếp công dân khi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

7. Thông báo lý do từ chối tiếp công dân đối với những trường hợp từ chối tiếp theo quy định của pháp luật.

Về Quyền và trách nhiệm của người đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

1. Người đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền theo quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật liên quan; được phản ánh về việc thực hiện quy trình tiếp công dân, trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân.

2. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiếp công dân và nội quy tiếp công dân.

3. Không mang vũ khí, chất nổ, chất độc, chất dễ cháy hoặc chất cấm khác đến nơi tiếp công dân.

4. Không được lợi dụng quyền tự do dân chủ để có lời nói, hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi quá khích xúc phạm đến cơ quan và cán bộ tiếp công dân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2022 và thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BCA-V24 ngày 28/4/2009 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra của Công an nhân dân. Xem toàn bộ Thông tư tại đây: Thông tư số 117

Vũ Hiệp


Tin liên quan