A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tính thống nhất và tính tương thích của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Quá trình xây dựng Luật đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật, gồm đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; tổng kết thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 trong Công an nhân dân. Dự án Luật đã nhiều lần gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Hồ sơ dự án Luật được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình; đã được thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất và tính tương thích của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thứ nhất, tính thống nhất của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan được thể hiện, như sau:

Qua rà soát, cho thấy các quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thống nhất với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật hiện hành của Nhà nước ta, cụ thể như sau:

– Các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, uỷ ban nhân dân các cấp tại các chương của dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019; Luật Công an nhân dân năm 2018…

– Các quy định về đăng ký, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Chương III dự thảo Luật thống nhất với các luật: Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017… Các quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe quy định tại Chương III dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020…

– Các quy định về giải quyết tai nạn giao thông tại Chương V dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015…

– Các quy định về tuần tra, kiểm soát tại Chương VI dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020…

Thứ hai, tính thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ

Hai dự thảo Luật đã phân định rành mạch về phạm vi điều chỉnh; không chồng chéo, trùng lắp về nội dung của các chương, điều; các thuật ngữ được rà soát, sàng lọc, nhất là những thuật ngữ chuyên môn dễ gây nhầm lẫn giữa lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và kỹ thuật giao thông, như phần giải thích từ ngữ, tên của Chương III dự thảo Luật Đường bộ là “Phương tiện giao thông đường bộ”, tên của Mục 1 Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là “Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Theo đó, Chương “Phương tiện giao thông đường bộ” trong dự thảo Luật Đường bộ nội dung quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông trong các khâu từ sản xuất, lắp ráp đến nhập khẩu và tham gia giao thông, là cơ sở để phát triển công nghiệp ô tô; về niên hạn sử dụng xe; về trung tâm đăng kiểm, trạm kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, bảo hành xe cơ giới; về đăng kiểm viên… Mục 1 Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về “Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ” gồm các nội dung như: Điều kiện phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo các yêu cầu về đăng ký, gắn biển số, an toàn kỹ thuật, bảo hiểm…; quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng… Như vậy, việc quy định ở 2 dự thảo Luật là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng Luật, một bên là về kỹ thuật an toàn phương tiện, một bên là điều kiện tham gia giao thông, điều kiện lưu hành phương tiện để bảo đảm an toàn. Giữa 02 Luật có mối liên hệ, không mâu thuẫn, chia cắt cơ học, có sự gắn kết, thống nhất với các chế định khác trong mỗi dự thảo Luật.

Thứ ba, tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Qua rà soát cho thấy các quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, như: Công ước quốc tế năm 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước quốc tế năm 1968 về Biển báo – Tín hiệu đường bộ; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966…

Như vậy, từ sự thống nhất cũng như tính tương thích của dự án Luật trên, cho thấy đây là đòi hỏi của thực tiễn khách quan, phù hợp với sự thay đổi, vận động, phát triển của xã hội trong tình hình mới.

Thanh Vân

 


Tin liên quan