Xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là “tổ chức” hay “cá nhân” trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, CNCH
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cá nhân và tổ chức. Trong đó, tổ chức bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật (theo khoản 10 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
Ảnh minh hoạ
Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
“2. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
3.Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
4.Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.
5.Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện của hộ kinh doanh, chủ hộ của hộ gia đình, người đứng đầu của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư”.
Căn cứ quy định này, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định cụ thể tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ bao gồm:
– Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp;
– Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
– Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
– Đơn vị sự nghiệp;
– Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
– Tổ hợp tác.
Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP cũng quy định: “Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân”.
Quy định này là cần thiết khi mà trước đây Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình không có quy định cụ thể về vấn đề trên nên người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy rất lúng túng và không thống nhất trong việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp là tổ chức hay cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy.
Đức Cường