Xử lý trách nhiệm hình sự đối với “pháp nhân thương mại”, điểm mới trong chính sách pháp luật ở nước ta
Ngày 20 tháng 6 năm 2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 với nhiều điểm mới. Đây là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đáng chú ý là BLHS đã đưa pháp nhân thương mại vào xử lý trách nhiệm hình sự theo tinh thần mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh và đúng quy định của pháp luật.
Pháp nhân thương mại sẽ bị xử lý hình sự nếu vi phạm vào các quy định mới trong BLHS
Nội dung của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thể hiện rõ nét bản chất giai cấp, các đặc điểm chính trị, xã hội cũng như các điều kiện pháp lý; đó cũng được xem như là vấn đề cần thiết có tính nguyên tắc về giới hạn giữa tội phạm và không phải tội phạm, giữa trách nhiệm hình sự và những trách nhiệm pháp lý khác. Một điểm mới ở đây là BLHS 2015 đã đưa vào việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Tại khoản 1, Điều 8 BLHS 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thương mại thực hiện diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển và buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, sa thải người lao động không đúng quy định…Những hành vi vi phạm pháp luật nói trên đã gây ra nhiều hậu quả cho xã hội và có tính chất, mức độ nguy hiểm như tội phạm nhưng do chưa được quy định trong BLHS nên không thể xử lý hình sự với những pháp nhân thương mại đó mà chỉ có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc nhắc nhở yêu cầu sửa chữa, khắc phục hậu quả. Với tình hình đó, BLHS năm 2015 đã mở rộng hơn chủ thể của tội phạm bằng việc đưa pháp nhân thương mại vào xử lý hình sự. Như vậy, pháp nhân thương mại và các hình phạt được quy định trong BLHS 2015 đối với pháp nhân thương mại được hiểu như sau: aaaa
1. Pháp nhân thương mại
– Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
– Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
– Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Điều kiện và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
– Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi được quy định tại Điều 75 BLHS 2015
+ Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.
+ Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại.
+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.
+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS 2015.
+ Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
– Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (được quy định tại Điều 76 BLHS 2015)
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của BLHS.
3. Về các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (được quy định tại Điều 77 BLHS 2015)
– Các hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
– Các hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
– Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn bị áp dụng các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 82 và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 84 và Điều 85 BLHS 2015.
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua diễn ra rất phức tạp, những hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại gây ra hậu quả rất lớn. Với việc lần đầu tiên đưa pháp nhân thương mại trở thành chủ thể của tội phạm, BLHS 2015 đã khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng, chống tội phạm đó là nâng cao quyền con người, quyền công dân, tạo ra sự công bằng xã hội, công lý được thực thi. Qua đó nhằm hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại, đảm bảo tính răn đe, xử lý kịp thời và nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm của pháp luật.
Trung Kiên