Hãy là một công dân Việt Nam yêu nước đúng nghĩa!
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc nhận diện thông tin xấu độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử dẫn đến các cuộc biểu tình, bạo loạn tự phát của người dân là rất quan trọng.
Môi trường mạng có khái niệm khá rộng, nhưng chung quy lại nó là một tập hợp những người được kết nối với nhau bằng một tập hợp các mối quan hệ, ví dụ như tình bạn, cộng sự hay trao đổi thông tin,… Nói cách khác, mạng xã hội là hệ thống của những mối quan hệ giữa con người trên nền tảng Internet.
Hiện nay, phạm vi hoạt động sai lệch của mạng xã hội ngày càng mở rộng tác động tiêu cực đến thông tin chính thống
Sự tự do trên mạng xã hội mở ra cơ hội để mọi người có thể kết giao bè bạn, học hỏi, mở rộng mối quan hệ, phục vụ cho công việc của bản thân. Nhưng do hành vi sử dụng rất thiếu ý thức của một số người mà mạng xã hội lại tồn tại như “con dao hai lưỡi”, khiến người dùng mạng xã hội rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của chính mình từ lúc nào mà không hề hay biết.
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng nói nhiều, bàn nhiều và chia sẻ rất nhiều thông tin trái chiều về Đặc khu kinh tế hay chính xác hơn là Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt khi Chính phủ trình Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Trên các trang mạng Facebook như: Nhật ký yêu nước, Lại Văn Sâm (giả mạo), Người đăng tin, Vietlive, Tạ Khắc Cư, Tin nóng – VN, Người Việt Nam đâu, Chú Tễu, TIN TỨC THỜI SỰ,… và rất nhiều trang khác đang có những nội dung không chính xác, đặt điều, vu khống, xuyên tạc thông tin, sự thật của Đảng và Nhà nước nhằm hướng lái suy nghĩ, nhận thức, kêu gọi biểu tình, nổi loạn, kích động quần chúng nhân dân với mục đích chống đối chính quyền Nhà nước Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại hay đúng hơn là các trang mạng với những thông tin không chính thống đó đã có tốc độ lan truyền mạnh mẽ đến người dân; các đối tượng phản động, có tư tưởng chống đối trong nước, các thế lực phản động lưu vong nước ngoài đang kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn ở TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Thuận,… Nhiều thông tin có thể đưa ra nhận định chúng đã móc nối với các đối tượng hình sự trong nước để rải truyền đơn, kêu gọi biểu tình vào các ngày 9-10/6/2018.
Đối tượng mà bọn chúng hướng đến là công nhân ở các khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư, học sinh – sinh viên trên địa bàn các thành phố lớn và thậm chí là người đồng bào DTTS, những người thiếu hiểu biết.
Vừa qua với “chiêu trò”, kêu gọi biểu tình của các đối tượng có tư tưởng chống đối Đảng và Nhà nước đã được chúng thực hiện và kéo theo đó là sự tham gia hưởng ứng của quần chúng nhân dân trên địa bàn cả nước. Cách mà chúng kêu gọi biểu tình ở đây là chiêu bài “biểu tình ôn hòa” để phản đối thông qua Dự thảo Luật Đặc khu. Vậy cái gọi là “biểu tình ôn hòa” mà các thế lực thù địch đang rêu rao tiến hành thực chất là gì, âm mưu thâm độc của nó ra sao, để rồi nhận thức và trách nhiệm của người dân Việt Nam như thế nào? Và trong ngày 10/6/2018 vừa qua, những gì gọi là “biểu tình ôn hòa” ấy là những hình ảnh ném đá, gạch,… vào các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ; đập phá các cơ sở vật chất, các trụ sở làm việc của Nhà nước; thậm chí là đốt xe CSGT; và còn nhiều những hành động thô bạo và bạo lực khác nữa khiến cho không chỉ cán bộ, chiến sỹ Công an đổ máu, chấn thương mà có rất nhiều người dân trong cuộc biểu tình, gây rối an ninh trật tự cũng bị thương nặng. Song song với những hình ảnh thô bạo ấy, các thế lực chống đối đã “dẫn dắt” người dân bằng những việc làm như phát tờ rơi về tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời rợp trời hơn nữa là hình ảnh chính những con người đang mang trong mình dòng máu con Rồng, cháu Tiên Việt Nam ấy lại chỉ biết giương cao trên tay những lá cờ của Mỹ và cờ của chế độ cũ. Như vậy chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy rõ được mục đích, âm mưu của những cuộc biểu tình tự phát ấy là gì và ngọn nguồn bùng nổ của nó là từ đâu.
Hình ảnh trong các cuộc “biểu tình ôn hòa” vào ngày 10/6/2018
Dự thảo về việc thành lập 3 “đặc khu kinh tế” vẫn chưa được thông qua. Tuy nhiên, những ngày qua trên nhiều tài khoản cá nhân, page phản động đang rêu rao thông tin cho Trung Quốc thuê 99 năm là hoàn toàn sai sự thật.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định: “Dự thảo không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc. Chẳng qua một số người cố tình hiểu theo hướng đó, đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Mục tiêu của luật là tạo sự bình đẳng trong môi trường chung, bình đẳng giữa tất cả các thành phần kinh tế, giữa các nước trong môi trường hội nhập quốc tế. Còn có yếu tố nào thì cần có rào cản để xem xét. Mọi người đang tưởng tượng và hình dung theo hướng tiêu cực mà không nên suy nghĩ theo cách như vậy. Vấn đề đất đai được đẩy lên, sợ Trung Quốc thế này, thế kia nhưng tôi khẳng định lại, môi trường kinh doanh đặc khu là bình đẳng và cũng không ai có thể vào đây làm việc gì sai trái trong chủ quyền Việt Nam. Cần bình tĩnh xem xét việc này.”
Thực tế các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nga, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản và nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam đã và đang lên kế hoạch đầu tư vào các khu vực trên.
Hiện nay, Quốc hội đang hết sức thận trọng lắng nghe ý kiến của người dân và tiếp tục bàn thảo kỹ các hệ quả liên quan trước khi quyết định thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trong thông cáo mới nhất được phát đi sáng ngày 9/6, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc trình Quốc hội xem xét lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (luật đặc khu) từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
“Thay đổi đi” – là điều mong mỏi của nhiều người trước một số biểu hiện lệch lạc với những người đang sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ, những “anh hùng bàn phím” bởi sự thiếu hiểu biết và hành động theo phong trào. Cũng khẩu hiệu “nói là làm” nhưng sẽ thật đáng quý biết bao nếu thay vì phô diễn, xuyên tạc sai sự thật những thông tin chính thống, kích động, lôi kéo người dân đi theo những tư tưởng lệch lạc, chống đối, chúng ta, hơn ai hết là những người trẻ biết chung tay đóng góp công sức của mình giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn bằng cách cố gắng học hành, tu dưỡng, tham gia công việc thiện nguyện, giúp người có hoàn cảnh khó khăn, dạy dỗ trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường…
Công tác chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội, đòi hỏi trước hết mỗi người dân tham gia mạng xã hội, nhận biết tính hai mặt của Internet và mạng xã hội; đồng thời các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện cho người dân. Qua đó, trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Đã đến lúc cần nâng cao mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội, được thể hiện qua từng nút like, mỗi bình luận và cả hành vi trong xã hội, từ đó góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa cộng đồng mạng. Và “thay đổi đi” phải trở thành thái độ sống tích cực, chứ không phải thay đổi để có hành động phản cảm, gây sốc, đánh bóng bản thân, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của Việt Nam…
Để xây dựng và bảo vệ cũng như duy trì một đất nước ổn định, dân chủ, văn minh, phát triển bền vững, mỗi công dân Việt Nam cần phải tịnh tâm tìm hiểu thật kĩ về những vấn đề mình nói, mình bình luận, mình chia sẻ để hành động thật đúng với trách nhiệm của cá nhân với Tổ quốc. Bởi vì khi bạn chia sẻ bất kì một thông tin gì thì nó đang lan tỏa trong cộng đồng mạng và thật nguy hiểm hơn nếu thông tin đó không đúng sự thật.
Nhật Lệ