A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng diễn biến phức tạp trên không gian mạng toàn cầu, khó kiểm soát, khó dự báo, tác động ngày càng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước và tâm lý, nhận thức của người dân. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, như Nghị quyết số 29 ngày 15/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30 ngày 15/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị...

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Tuy nhiên, để nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do không gian mạng mang lại để phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải có sự chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm để thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa an toàn, an ninh mạng (cyber resilience). Đó không phải là nhiệm vụ của một cơ quan, tổ chức nào, mà nó đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Do đó, để phát huy vai trò, sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tại Quyết định số 964/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ngày 10/8/2022 phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã có chủ trương giao Bộ Công an: “Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số. Phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng để hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng”.

Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030

Từ trước đến nay, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn là một trong những phong trào cách mạng của Đảng, là nội dung quan trọng của “Biện pháp vận động quần chúng” - Biện pháp cơ bản của lực lượng Công an nhân dân. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, những năm qua, lực lượng Công an đã luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng tăng cường xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, góp phần thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tự giác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.

"Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" năm 2022 được tổ chức tại Phường 6, Quận 4
(nguồn laodong.vn)

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng, hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng lại là một vấn đề còn tương đối mới, đòi hỏi phải có sự đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để khái quát thành lý luận và nhân rộng trên thực tế. Trước mắt, để phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tiến tới hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tham mưu Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh mạng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương; nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng; xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng… Trong đó, bổ sung các quy định về phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong các công tác này.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng, hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm mạng từ không gian mạng để quần chúng nhân dân phản ánh kịp thời, trực tiếp thông tin, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số. Phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng để hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.

Thứ tư, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành, địa phương, giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan theo quy định của pháp luật, nhất là trong tổ chức các mô hình tự quản để tham gia thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật trên không gian mạng và chống khủng bố mạng.

Thứ năm, thiết lập các kênh, mạng xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh mạng đối với quần chúng nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn, các hành vi xâm phạm an ninh mạng, nâng cao sức đề kháng trước các thông tin xấu độc, thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thứ sáu, xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn việc hình thành phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng đảm bảo hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc thực hiện đồng bộ những giải pháp trên sẽ góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ động ứng phó từ sớm, từ xa với các nguy cơ, thách thức, hoạt động gây tổn hại tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng và an toàn thông tin mạng quốc gia.


Tác giả: Hoàng Phúc