Kon Rẫy: Tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ người đồng bào dân tộc thiểu số mãn hạn tù chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình” góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn
Kon Rẫy là huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao, chiếm 67,89% tổng dân số toàn huyện, trong đó có 1.452 hộ DTTS nghèo (chiếm 19,85%) và 993 hộ DTTS cận nghèo (chiếm 13,58%) số nhân khẩu toàn huyện (số liệu thống kê năm 2021). Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn, nhận thức về pháp luật còn thấp nên tỷ lệ người DTTS vi phạm pháp luật bị khởi tố và chịu án phạt tù trên địa bàn huyện là khá cao. Vì vậy trong những năm qua, địa phương tiếp nhận nhiều đối tượng là người DTTS mãn hạn tù trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU ngày 14/2/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương về chủ trương triển khai cuộc vận động :Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 26-KH/HU của Ban thường vụ Huyện ủy về thực hiện Kết luận số 08; Kế hoạch số 39-KH/ĐUCA ngày 20/4/2022 của Đảng ủy Công an huyện về triển khai Cuộc vận động. Ngày 30/5/2022, Đảng ủy Công an huyện chủ trì, phối hợp Đảng ủy, UBND xã Đăk Tờ Re và thị trấn Đăk Rve tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ người đồng bào dân tộc thiểu số mãn hạn tù chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình” năm 2022 cho 02 hộ gia đình người DTTS mãn hạn tù trên địa bàn xã Đăk Tờ Re và thị trấn Đăk Rve.
Theo đồng chí Thượng tá Nguyễn Ngọc Phú – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người mãn hạn tù, nhất là với người DTTS là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc làm này không chỉ thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước mà còn là yếu tố quan trọng góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn; do vậy, quá trình triển khai tổ chức thực hiện rất cần sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an huyện làm nòng cốt.
Với trăn trở đó, Đảng ủy Công an huyện đã chỉ đạo Công an huyện chủ động rà soát đối tượng, chuẩn bị phương án, lựa chọn hộ 02 gia đình Triệu Thị Cúc Phương tại thị trấn Đăk Rve và hộ gia đình Y Kyưn tại xã Đăk Tờ Re để triển khai thí điểm mô hình. Theo đó, mô hình được xây dựng bao gồm các nội dung: (1) Một là, thường xuyên vận động người đồng bào DTTS mãn hạn tù chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; (2) hai là, căn cứ điều kiện thực tế của hộ gia đình để giúp lựa chọn, hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, thu mua đầu ra sản phẩm, sử dụng các nguồn lực của hộ gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.… cho phù hợp để phát huy hiệu quả tối đa, giúp nâng cao thu nhập; (3) ba là, tuyên truyền hiệu quả mô hình và vận động các hộ gia đình khác thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, tạo thói quen và tư duy lao động tiến bộ, hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế, dần thoát nghèo bền vững, tích cực tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn.
Hy vọng rằng, mô hình trên sẽ tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, không chỉ giúp người DTTS mãn hạn tù vơi bớt mặc cảm, tự ti, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, nỗ lực phát triển kinh tế mà còn giúp người dân trên toàn địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, mạnh dạn xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới văn minh; từ đó nhân rộng, phát triển, xây dựng thêm những mô hình khác ngày càng hiệu quả, từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn./.
Ảnh: Buổi lễ ra mắt Mô hình tại thị trấn Đăk Rve (ảnh trên) và xã Đăk Tờ re (ảnh dưới)
Ảnh: Trao tặng cặp heo giống cho hộ gia đình chị Triệu Thị Cúc Phương tại thị trấn Đăk Rve
Ảnh: Niềm vui của chị Y Kyưn khi được tăng cặp heo giống để chăn nuôi
Tiến Thành