A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại sự ra đời, phát triển của Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những ngày qua, trên cả nước, các đơn vị, địa phương rộn ràng tổ chức các hoạt động Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Để hiểu thêm về vai trò đặc biệt quan trọng của Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hãy cùng nhìn lại sự ra đời, phát triển của Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc qua các giai đoạn lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân từ miền xuôi tới miền ngược đã đóng góp công sức, tích cực tham gia cùng lực lượng CAND đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, trừ gian, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng, góp phần to lớn vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an các cấp, Nhân dân được tập hợp, tổ chức thành những đội quân tích cực tham gia phong trào “Phòng gian bảo mật”, nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ cuộc kháng chiến, chống lại mọi âm mưu của kẻ thù, vạch mặt những tên đầu sỏ gian ác, các đối tượng gián điệp làm tay sai cho địch; đặc biệt là Nhân dân đã đoàn kết thực hiện khẩu hiệu “Ba không” (không nghe, không biết, không thấy) nhằm giữ bí mật mọi thông tin của cuộc kháng chiến, thực hiện tuần tra canh gác, bảo vệ các lực lượng tham gia kháng chiến, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, cùng toàn Đảng, toàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 

Ảnh minh họa

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vai trò và sức mạnh của Nhân dân tiếp tục được phát huy cao độ. Bằng việc tham gia tích cực, có hiệu quả các phong trào “Ba phòng”, “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an”..., Nhân dân đã trở thành bức tường thành vững chắc, là chỗ dựa tin cậy của lực lượng CAND trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích, chống phản động và các đối tượng gây rối an ninh, trật tự, phá hoại công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Được sự giúp đỡ to lớn của các tầng lớp Nhân dân, lực lượng Công an ở cả hai miền Nam, Bắc đã đấu tranh thắng lợi, làm thất bại nhiều âm mưu, ý đồ phá hoại đất nước của các thế lực phản động, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và Bộ Công an... góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cùng toàn Đảng, toàn quân đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhân dân tiếp tục sát cánh giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh đập tan âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch, các tổ chức đảng phái phản động ở trong nước và phản động lưu vong ở nước ngoài; tham gia các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh.

 

Ảnh minh họa

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định vai trò của Nhân dân, đặc biệt coi trọng công tác vận động và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, coi đó là công tác trọng tâm, có tính chiến lược trong đường lối chỉ đạo thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, đông đảo các tầng lớp Nhân dân tiếp tục tham gia tích cực vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đó là nghĩa vụ để góp phần bảo vệ sự bình yên của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Nhân dân được thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, được bàn bạc, trao đổi, đề ra cách thức, biện pháp giữ gìn cuộc sống bình yên và tự tổ chức thực hiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn và làm nòng cốt của lực lượng Công an, Nhân dân đã phát huy vai trò làm chủ và sức mạnh tiềm tàng, thực sự là “tai mắt”, là chỗ dựa tin cậy giúp lực lượng Công an đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Để phát huy vai trò to lớn của Nhân dân, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 19/8 cùng với Ngày Truyền thống lực lượng CAND, điều này không chỉ nhằm tôn vinh vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc mà còn thể hiện truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Công an với Nhân dân.

 

Ảnh minh họa

Qua 17 năm thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Nhân dân được tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc xây dựng các văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động, quy ước, hương ước bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; được tạo điều kiện để trực tiếp tham gia vào các đợt cao điểm vận động quần chúng tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội; được tham gia vào các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh, trật tự; đồng thời Nhân dân cũng tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; cộng tác, giúp đỡ lực lượng Công an phòng, chống tội phạm; đặc biệt là Nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến chân thành, xác đáng để xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực tế đã có hàng chục nghìn tập thể và cá nhân là quần chúng Nhân dân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm và tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tôn vinh, khen thưởng.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hằng năm được lực lượng Công an tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức trên khắp mọi miền đất nước đảm bảo yêu cầu, thiết thực nhằm ôn lại vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng xây dựng phong trào trong thời gian tiếp theo, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phong trào; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể các cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao… thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Nhiều địa phương còn tổ chức các hoạt động xã hội có ý nghĩa như tổ chức khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn... Chính vì vậy, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trở thành phong trào rộng khắp tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thực sự là ngày hội của Nhân dân./.

 


Tác giả: Quang Thắng