Tín dụng với người hoàn lương: Điểm tựa tái hòa nhập cộng đồng
Công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, Công an tỉnh Kon Tum đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, giáo dục và đặc biệt đã phối hợp cùng Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân vốn vay cho hơn 102 người, với số tiền hơn 9.000.000.000 đồng, tạo điều kiện thuận lợi giúp họ làm ăn phát triển kinh tế. Nguồn vốn vay này được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tạo “cần câu” cho người hoàn lương
Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, kể từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Theo đó, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Về điều kiện vay vốn, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận; thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.
Ngay sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bắt đầu có hiệu lực, Công an tỉnh và Công an các địa phương triển khai nhanh chóng, có hiệu quả thiết thực. Trong đó có những cá nhân đã sử dụng nguồn vốn vay từ các nguồn để làm kinh tế giỏi. Đơn cử như trường hợp anh Đặng Tuấn Vĩnh (thôn 1, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), từ một người lầm lỗi đã vươn lên lập nghiệp và tích cực tham gia vào các phong trào đoàn thể tại địa phương sinh sống. Anh kể: Ngày ra khỏi trại giam, anh mất hết ý chí phấn đấu, bản thân luôn mặc cảm và cảm giác bị mọi người xa lánh. Thế nhưng, sau khi được những người xung quanh động viên và nhất là sự tin tưởng của lực lượng công an xét hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng anh đã bắt tay vào việc kiếm tiền. Từ số vốn vay đó, anh đã mua 2 con bò và làm nhân viên tại Công ty dịch vụ môi trường xanh. Để có thêm thu nhập, anh còn mượn sân trước của bố mẹ để đầu tư kinh doanh dịch vụ gas. Cho đến nay, anh đã có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và gia đình.
Mô hình nuôi bò của anh Đặng Tuấn Vĩnh đã đem về cho anh mức thu nhập ổn định
Tương tự, trở về địa phương sau án phạt, anh A Tuấn (Thôn Pênh Blong, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) đã được xét cho vay 100 triệu đồng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Tận dụng khu vườn rộng của gia đình, với số vốn vay được, anh đã đầu tư trồng cà phê và mở thêm tiệm sửa chữa xe máy. Cho đến nay, với công sức bỏ ra, anh đã có nguồn thu nhập 10.000.000 đồng/tháng trang trải cuộc sống.
Được vay 100 triệu đồng, anh A Tuấn đầu tư trồng cà phê và mở tiệm sửa chữa xe máy mỗi tháng anh thu nhập 10 triệu đồng trang trải cuộc sống
Ông Huỳnh Ngọc Ly, Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Glei cho biết: Phải khẳng định rằng, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được xem là giải pháp có tính đột phá và là mô hình điểm của toàn quốc trong các hoạt động giữ gìn ANTT và phát triển kinh tế địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều người hoàn lương có cơ hội được vay vốn, đầu tư kinh doanh, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế như trường hợp của anh A Tuấn.
Nguồn vốn nhân văn, nghĩa tình
Tính đến tháng 12/2024, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân vốn vay cho tổng số hơn 102 người, với số tiền hơn 9.000.000.000 đồng, trong đó nguồn vốn từ Trung ương là hơn 90 người, với số tiền hơn 8.000.000.000 đồng; nguồn vốn từ ngân sách địa phương tỉnh 07 người, với số tiền khoảng 700.000.000 đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương huyện 04 người, với số tiền hơn 350.000.000 đồng.
Nhờ nguồn quỹ này, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã có việc làm ổn định. Như trường hợp của anh Nguyễn Huy Phương Nam (Thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, Tp. Kon Tum), cách đây 3 năm bị bạn bè lôi kéo anh tham gia đánh bạc và lãnh mức án 2 năm 6 tháng tù. Khi chấp hành xong án phạt trở về địa phương, Công an phường đã xét và tạo điều kiện cho anh vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Với số tiền được vay anh đã mua cây giống, đầu tư mở rộng vườn ươm, kinh tế nhờ đó ngày càng ổn định. Hiện tại, với diện tích hơn 2.000m2 trồng hoa, cây cảnh cùng công việc tài xế mỗi tháng thu nhập của anh hơn 10 triệu đồng.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh của anh Nguyễn Huy Phương Nam
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND phường Trường Chính, Tp. Kon Tum khẳng định: Quyết định số 22 thực sự rất nhân văn, đã hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, giúp các đối tượng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Đối với địa phương, qua nắm bắt, các hộ gia đình sau khi được tiếp cận vốn đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu có hiệu quả, thu nhập ổn định trang trải cuộc sống.
Mô hình của anh Nguyễn Huy Phương Nam hay A. Tuấn, Đặng Tuấn Vĩnh…là minh chứng cho sự nỗ lực làm lại cuộc đời của các anh sau khi trở về địa phương. Việc cho những người mãn hạn tù được vay vốn làm ăn từ nguồn Quỹ này là chủ trương đúng đắn, nhân văn và mang lại hiệu quả cao trong việc góp phần giữ vững ANTT. Thông qua quỹ cho thấy, Kon Tum rất quan tâm hỗ trợ cho người lầm lỗi được tái hòa nhập cộng đồng. Giúp người phạm tội hiểu được xã hội không hề bỏ rơi họ nếu họ không ngừng nỗ lực hoàn lương. Đặc biệt, Quỹ cũng góp phần ngăn chặn, hạn chế một cách thấp nhất tình trạng tái phạm tội.
Trong thời gian tới, Công an tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy hiệu quả cao trong việc giữ vững ANTT, lực lượng công an tiến hành rà soát hiệu quả trong việc cho vay vốn. Đồng thời, phối hợp với các sở ban ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền về Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THNCĐ cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2025 - 2030” của UBND tỉnh cũng như Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ để giúp đỡ thêm nhiều người từng lầm lỗi vượt qua mặc cảm, tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, góp phần bảo đảm ANTT, kéo giảm tội phạm trên địa bàn.