A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Đề án 06 trong lực lượng Công an tỉnh Kon Tum trong 06 tháng đầu năm 2023

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, chuyển trạng thái từ quản lý truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị và trong từng người dân. Trong 06 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hành động thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, đáng chú ý là ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 18/5/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực hiện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 325/KH-TCT ngày 10/02/2023 của Tổ Công tác Đề án 06 về triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2023 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khác triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

 

Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt cả hai vai trò thường trực: Tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương và vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của lực lượng Công an nhân dân trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 26/10/2022 của Đảng ủy Công an tỉnh về tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1745/KH-CAT-PC06 ngày 26/5/2023 về triển khai Đề án 06 trong Công an tỉnh năm 2023...

Tính đến 15/6/2023, toàn tỉnh có 147.237 hộ, 594.549 nhân khẩu với 394.366 nhân khẩu đủ 14 tuổi trở lên. Kết quả triển khai Đề án 06 trong lực lượng Công an 06 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Tỷ lệ dịch vụ công tăng cao, trong đó đối với 11 dịch vụ công thiết yếu của Bộ Công an trong 06 tháng, toàn tỉnh tiếp nhận 105.875 hồ sơ, trong đó 54.716 trực tuyến, 51.159 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến đạt 51.68%), cụ thể:

- Lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh: tiếp nhận 6.506 hồ sơ, trong đó 6.154 trực tuyến/352 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 94,59%), cấp hộ chiếu phổ thông tiếp nhận 3.981 trực tuyến/4.281 tổng số hồ sơ (tỷ lệ trực tuyến 92.99%).

- Lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội:

+ Đăng ký, quản lý cư trú: Tiếp nhận 54.066 hồ sơ, trong đó 33.970 trực tuyến/20.096 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 62.83%).

+ Cấp và quản lý Căn cước công dân (CCCD): Tiếp nhận 24.539 hồ sơ, trong đó 3.655 trực tuyến/20.884 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 14.89%).

+ Quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Tiếp nhận 54 hồ sơ, trong đó 12 trực tuyến/42 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 22.22%).

+ Đăng ký, quản lý con dấu: Tiếp nhận 76 hồ sơ, trong đó 76 hồ sơ trực tuyến, đạt 100%.

- Lĩnh vực phòng cháy chữa cháy: Tiếp nhận 148 hồ sơ, trong đó 140 trực tuyến/08 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 94,59%).

- Lĩnh vực giao thông: Tiếp nhận 20.486 hồ sơ, trong đó 10.709 trực tuyến/9.777 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 52.27%). Trong đó: Đăng ký, cấp biển số xe: Tiếp nhận 11.373 hồ sơ, trong đó 7.304 trực tuyến/4.069 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 64.22%). Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính: Tiếp nhận 9.113 hồ sơ, trong đó 3.405 trực tuyến/5.708 trực tiếp (tỷ lệ trực tuyến 37.36%).

Ảnh. Lực lượng chức năng tiến hành thu nhận CCCD tại nhà cho công dân

Nghiêm túc việc không yêu cầu xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số trong giải quyết công việc cho cá nhân vì đã có mã QR trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp. Thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí; các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh việc thu học phí và thực hiện các khoản thu - chi khác không dùng tiền mặt bảo đảm mục tiêu, lộ trình theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; nhập, cập nhật thông tin người lao động vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đẩy mạnh việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp thông tin bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh, 122/122 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID. Trong 06 tháng đầu năm 2023 có 53.929 lượt người bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng VNeID để khám chữa bệnh.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Sở Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện. Hiện nay, 100% cơ sở khám sức khỏe lái xe trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc nhập dữ liệu trực tiếp hoặc đăng ký liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe trên Cổng giám định Bảo hiểm y tế; hiện đã liên thông được trên 2.367 trường hợp.

Triển khai thực hiện 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông từ ngày 10/7/2023 đến 20/7/2023 tiếp nhận 54 hồ sơ. Qua theo dõi, các Sở, ban, ngành  đã phối hợp triển khai thực hiện kịp thời ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp đã tạo và cấp tài khoản cho lãnh đạo và văn thư của UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh để thực hiện ký số, ban hành bản giấy khai sinh và bản giấy chứng tử điện tử đảm bảo theo đúng quy định.

Ngày 21/6/2023, Công an tỉnh đã cơ bản hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chíp cho công dân trong độ tuổi, về tài khoản Định danh điện tử (tính đến ngày 16/7/2023) đã thu nhận: 92.196 hồ sơ, tổng số tài khoản đã kích hoạt được 42.303 hồ sơ. Đã triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu khác, triển khai liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính đảm bảo tiến độ; xác thực, làm sạch dữ liệu đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư; đảm bảo hạ tầng, đường truyền, thiết bị, phần mềm phục vụ Đề án; đảm bảo nguồn nhân lực và trình độ đào tạo của lực lượng CAND tham gia thực hiện Đề án.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Kon Tum vẫn đang đi sau ở một số khía cạnh, như nền tảng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính và nhân lực công nghệ. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tỉnh ở mức thấp so với cả nước. Tiến độ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh và chuyển đổi số của một ngành, lĩnh vực còn chậm.Việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, Tỷ lệ người dân giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công tuy đã có sự chuyển biến nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, với hơn 52% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí trên địa bàn còn thấp, kinh tế còn khá nghèo so với các tỉnh trong khu vực và mặt bằng chung của cả nước, người dân thường đi làm ăn xa hoặc ở nương rẫy thời gian dài, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, phân bố dân cư rải rác gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và các mặt công tác khác trên địa bàn.

Ngoài ra, nhu cầu thực hiện giao dịch hành chính còn ít, ngại tìm hiểu, không muốn thực hiện dịch vụ công; chỉ khi bắt buộc người dân mới đi làm nên việc tuyên truyền, vận động thực hiện thu nhận Định danh điện tử gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị ở một số địa phương chưa đáp  ứng được yêu cầu thực tế của công việc; nhất là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa; máy móc 02 dự án Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu hư hỏng nhiều, thời gian bảo hành lâu. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; khối lượng công việc lớn gây ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, nhân lực triển khai Đề án một số bị điều chuyển vị trí công tác, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

Một là, xác định quan điểm chỉ đạo thống nhất đối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đối với việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Hai là, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tiếp tục và thường xuyên cập nhật, bổ sung hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp tục thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân đủ điều kiện nhưng chưa được cấp hoặc cấp đổi, cấp lại theo quy định gắn với thu nhận tài khoản Định danh điện tử, kích hoạt và sử dụng ứng dụng VNeID trong các giao dịch hành chính.

Ba là, phối hợp các sở, ban, ngành rà soát nghiên cứu quy định của pháp luật triển khai đảm bảo pháp lý để thực hiện ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử vào công tác chuyển đổi số góp phần xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; rà soát lại việc xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu được xác định trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trên cơ sở tận dụng tối đa dữ liệu dân cư đã có phục vụ hoạch định các chính sách, cung cấp nhiều tiện ích phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bốn là, triển khai đến các tổ chức, doanh nghiệp, người dân… về khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai các dịch vụ có thu phí phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định, nguồn kinh phí thu được sẽ được sử dụng để tái đầu tư, duy trì hoạt động của hệ thống, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Tiếp tục triển khai các hoạt động định danh, xác thực điện tử phục vụ triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm là, tiếp tục tuyên truyền, triển khai ứng dụng VNeID trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quổc gia về dân cư, để tiết kiệm thời gian, chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu. Tài khoản Định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân gắn chíp, có giá trị như Sổ hộ khẩu điện tử (thể hiện thông tin cá nhân, thân nhân và nơi cư trú của các thành viên trong hộ gia đình) và có giá trị thay  thế các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID, như: Bảo  hiểm y tế, Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe… giúp giảm tối đa các giấy tờ phải  mang theo khi thực hiện các thủ tục hành chính./.

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan