A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Kế hoạch Phòng, chống thiên tai của lực lượng Công an tỉnh giai đoạn 2021-2025

Nhằm chủ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, Công an tỉnh ban hành kế hoạch triển khai nhiều nội dung trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Thủ trưởng các đơn vị, Công an huyện, thành phố cần xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên; luôn chủ động các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện đảm bảo để sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai theo đúng phương châm “4 tại chỗ’; phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp xã trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là công tác nắm hộ, nắm người, tuyên truyền, vận động nhân dân và giải quyết các tình huống phát sinh về thiên tai ngay từ cơ sở.

Phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai, môi trường, tài nguyên nước. Tập trung triển khai các kế hoạch phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản; đấu tranh trấn áp tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, phòng, chống khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông.

Kịp thời triển khai các phương án sơ tán nhân dân, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả khi có thiên tai; hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân và các phương tiện tham gia giao thông. Bảo đảm an toàn cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa trong các tình huống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ.

Phối hợp với lực lượng Quân đội nhân dân và các lực lượng, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tương trợ giữa các phòng với Công an các huyện, thành phố, giữa Công an các địa phương pháp ranh trong phòng, chống thiên tai.

Ưu tiên bố trí kinh phí và trang cấp, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ. Rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng của các trang thiết bị hiện có phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển, bổ sung và trang cấp cho Công an các đơn vị, địa phương; đồng thời, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền địa phương và xã hội hóa.

Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời phản ánh hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng tin, bài đấu tranh phản bác các luạn điệu xuyên tạc, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động; tuyên truyền về những tấm gương cán bộ, chiến sĩ trong đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở khi xảy ra thiên tai, trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó với thiên tai. Kiểm tra, rà soát và đề xuất nâng cấp, di chuyển các cơ sở hạ tầng, trụ sở Công an có nguy cơ chịu tác động của thiên tai. Xây dựng mới, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng trên nguyên tắc tuân thủ theo quy hoạch và chủ động ứng phó với thiên tai theo phân vùng rủi ro thiên tai, không làm gia tăng rủi ro thiên tai. Đồng thời, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện tốt chế độ, chính sách với cán bộ, chiến sĩ bị thiệt hại về người và tài sản khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Khánh Vi

 


Tin liên quan