A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh

Để kiểm soát, ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3868/UBND-NNTN ngày 13/10/2020 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:

– Quán triệt chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của Luật Thú y, tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 – 2025” được ban hành kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ; các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch số 3819/KH-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 – 2025 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.

C:\Users\Administrator\Desktop\images2810764_212.jpg

Lực lượng Thú y xử lý đàn heo mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh minh họa

– Đối với các địa phương đang có dịch xảy ra, tiến hành rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; thành lập ngay các đoàn công tác đến trực tiếp các địa bàn đang có dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch.

– Khẩn trương xây dựng Kế hoạch, phê duyệt, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn lực khác để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của UBND tỉnh. Kế hoạch của địa phương cần phải có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của Kế hoạch quốc gia, Kế hoạch của UBND tỉnh.

– Tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại Kế hoạch quốc gia, Kế hoạch của UBND tỉnh nêu trên, cũng như những biện pháp cụ thể tại các văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Tổ chức vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh Dịch tả lợn Châu Phi; tại các địa phương có dịch cần thường xuyên tổ chức sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và vệ sinh để tiêu diệt mầm bệnh.

– Xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi để bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

– Tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, còn ở diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy lợn bệnh, lợn chết, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm lợn qua biên giới.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin nội dung và đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, hệ thống đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu thực hiện “kiện toàn, củng cổ và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh động vật” theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của UBND tỉnh để bảo đảm lực lượng phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ngay các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở nơi đang có dịch tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch. Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh; cần có kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả.

Khánh Vi