Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, quản lý các nguồn thải theo phân công, phân cấp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao có phát sinh chất thải công nghiệp. Chủ động kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; Xử lý nghiêm hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, trong đó có doanh nghiệp về việc thay đổi công nghệ, tiết kiệm sử dụng tài nguyên, nguyên nhiên liệu nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh.Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt việc chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyển xử lý theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở hoạt động trong khu kinh tế, khu công nghiệp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; phát hiện và báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết hoặc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại.
Sở Xây dựng, Sở Công Thương theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường, tổ chức phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định của pháp luật.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư các công trình giao thông yêu cầu các đơn vị thi công thống kê khối lượng đất, đá thải phát sinh trong quá trình xây dựng, thực hiện đổ thải đất, đá thải theo đúng quy định; nghiêm cấm hành vi chôn, lấp, đổ thải chất thải công nghiệp, đất, đá thải trái quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường vai trò cơ quan truyền thông, báo chí trong đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm của các chủ nguồn thải chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại trong việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công an tỉnh chủ động làm tốt công tác nắm tình hình; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường về thu gom, chuyển giao, tiếp nhận, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, lập danh sách các cơ sở (lưu ý các công trình xây dựng dân dụng, đường giao thông, thủy điện, cơ sở khai thác khoáng sản...) có phát sinh chất thải công nghiệp, đất, đá thải lớn trong quá trình thi công để theo dõi, quản lý theo quy định; Rà soát, quản lý, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi chôn, lấp, đổ thải chất thải công nghiệp, đất, đá thải bất hợp pháp (các khu hẻo lánh, xa khu dân cư, khu vực giáp ranh...). Chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt việc chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng chôn, lấp, đổ thải chất thải công nghiệp, đất, đá thải bất hợp pháp trên địa bàn quản lý.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về bảo vệ môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấp phép môi trường được cấp. Thực hiện phân định, phân loại chất thải phát sinh để tận dụng các thành phần có ích, chuyển giao cho các đơn vị chức năng để tái sử dụng, tái chế chất thải theo quy định; Rà soát, ký hợp đồng thu gom, xử lý, chuyển giao chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định; Nghiêm cấm hành vi chuyển giao chất thải cho tổ chức, cá nhân không đủ năng lực thu gom, xử lý theo quy định và hành vi đổ trộm chất thải ra môi trường.