A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Thông tư của Bộ Công an về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân

Sáng ngày 25/02/2023, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-BCA ngày 13/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân (Thông tư số 02). Hội nghị do đồng chí Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chủ trì.

Tại điểm cầu Công an tỉnh Kon Tum, tham dự Hội nghị có các đồng chí Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Phó Trưởng Công an các huyện, thành phố phụ trách công tác PCCC và CNCH, Đội trưởng các đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội thuộc Công an các huyện, thành phố.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Kon Tum

Tại Hội nghị, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã phổ biến nội dung triển khai thực hiện Thông tư số 02; đồng thời trao đổi, thảo luận một số khó khăn, vướng mắc của Công an các địa phương trong việc triển khai, thực hiện Thông tư số 02.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Nguyễn Minh Khương đã phổ biến, quán triệt một số nội dung trọng tâm công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cần triển khai trong thời gian tới như sau:

Một là, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức phổ biến quán triệt Thông tư số 02 đến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ làm công tác chữa cháy và CNCH tại địa phương.

Hai là, đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu kỹ Thông tư số 02, Công văn hướng dẫn số 351 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan của Bộ Công an để xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện đảm bảo tính thống nhất, toàn diện, chuyên sâu, phù hợp với tình hình, địa thế, trang bị, phương tiện chữa cháy và CNCH hiện có tại địa phương.

Ba là, đối với công tác huấn luyện định kỳ, giao Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chủ trì xây dựng giáo án huấn luyện định kỳ theo mẫu đã được quy định trong Thông tư số 02 và trình Ban Giám đốc phê duyệt. Đối với công tác huấn luyện thường xuyên, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an cấp huyện có thể trích từ giáo án huấn luyện định kỳ để xây dựng giáo án huấn luyện thường xuyên và do đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt.

Bốn là, tổ chức huấn luyện, kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện, cần tăng dần độ khó, nâng cao tiêu chí, chỉ tiêu để đảm bảo sát thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

Năm là, đối với cán bộ làm công tác huấn luyện, ngoài có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư số 02, cần lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, trình độ nghiệp vụ, khả năng truyền đạt để góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH.

Sáu là, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, củng cố công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, công tác huấn luyện và công tác quản lý phương tiện chữa cháy và CNCH.

Bảy là, đề nghị Công an cấp tỉnh quan tâm, đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, bố trí kinh phí đảm bảo công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH để đảm bảo công tác huấn luyện đi vào chiều sâu, chính quy hiện đại, thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, kịp thời sửa chữa phương tiện chữa cháy và CNCH bị hư hỏng.

Tám là, chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí để mua sắm các mô hình, trang thiết bị phù hợp, hiện đại để tổ chức huấn luyện sát với tình hình thực tế các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

 


Tác giả: Đăng Huy
Tin liên quan