A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các chính sách mới

      Sáng ngày 27/5/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận Phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

     Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước và 32 lượt đại biểu phát biểu. Đại biểu Trần Thị Thu Phước cơ bản thống nhất cao với dự thảo luật đã chỉnh lý và tiếp thu. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã đáp ứng kể cả cơ sở lý luận và thực tiễn. Điều này có ý nghĩa to lớn hơn trong điều kiện hiện nay khi nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, do những hậu quả của dịch bệnh COVID-19 cũng như những xung đột chính trị diễn ra trên thế giới và từ đó có thể thấy rằng tác động rất lớn đến vấn đề thu nhập, việc làm của người lao động cũng như là việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Do đó, đại biểu Phước mong muốn cần làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự luật, đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động, vì đối với họ chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả một đời.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu 

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Phước kiến nghị các nội dung: 

Một là, theo phương án đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/7/2019 khi tính lương hưu phải tính mức bình quân tiền lương tháng toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính bình quân toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội sẽ tác động lớn đến lương hưu của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang do đa phần đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng vũ trang thời gian từ 2 năm đến 6 năm là thời gian học viên công an, học viên quân đội, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ chỉ được Nhà nước đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương cơ sở, đó là hệ số 1.0. Do đó, nếu tính bình quân cả quá trình thì sẽ làm giảm rất nhiều đối với lương hưu của lực lượng vũ trang. Để khắc phục hạn chế trên, không làm giảm lương hưu, góp phần ổn định cuộc sống của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu, đại biểu Phước kiến nghị cần cân nhắc lại việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang theo hướng là tính lương hưu của lực lượng vũ trang được tính mức bình quân tiền lương tháng toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội sau khi trừ thời gian đối tượng được nhà nước đóng bảo hiểm trên mức lương cơ sở (đó là thời gian học viên công an, học viên quân đội, hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ). Bên cạnh đó, việc tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu vẫn được tính bắt đầu từ thời gian đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội như quy định đối với các đối tượng khác.

Hai là, theo Báo cáo của Chính phủ tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để tiếp tục thực hiện được các chế độ bảo hiểm xã hội hiện đang gắn với mức lương cơ sở, báo cáo có đề xuất sử dụng mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội để thay thế cho mức lương cơ sở, cụ thể là mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024, thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định tại luật năm 2014 và để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định của luật sửa đổi này. Tuy nhiên, dựa theo dự kiến từ ngày 01/7/2024 tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%, đại biểu Phước đề nghị cần có sự đánh giá một cách toàn diện và kỹ càng hơn về vấn đề này. Vì sau cải cách tiền lương thực tế thì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/7/2024 trở đi đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đều tăng, do vậy cần nghiên cứu tính toán, điều chỉnh lại mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội cho phù hợp hơn.

Ba là, qua nghiên cứu bài viết của ThS. Đặng Thị Thu Hiền - Chuyên viên chính Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội tại bài viết: Góc nhìn: Bảo hiểm xã hội một lần trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam-Những vấn đề đặt ra tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (quochoi.vn), đại biểu Phước rất đồng tình với quan điểm của bài viết cần kế thừa Sắc lệnh số 29-SL ngày 12/3/1947 về chế độ lao động trong cả nước đối với người làm công ăn lương và vận dụng Công ước số 102 được Tổ chức lao động quốc tế thông qua ngày 25/6/1952 về an toàn xã hội để làm cơ sở đưa trợ cấp gia đình vào hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Đây là một chính sách rất thiết thực, ý nghĩa nhằm đảm bảo hỗ trợ cha mẹ lao động nuôi con, khuyến khích việc sinh con ở những người trẻ trưởng thành. Đồng thời, giải quyết vấn đề đang khiến nước ta rất đau đáu đó là thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, vì nó cung cấp một khoản hỗ trợ an sinh để người lao động đang nuôi con có thể trang trải một phần cuộc sống. Khi bớt khó khăn, người lao động có thể cân nhắc hơn về việc rút bảo hiểm xã hội một lần mà sẽ cố gắng để dành lại để chờ được nhận chế độ hưu trí.

                                                               


Tác giả: Hồ Nam
Tin liên quan