A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả thi hành luật Cảnh sát cơ động

Sáng ngày 22/3/2023, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu hội trường Bộ Công an tới Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc. Tham dự tại điểm cầu Công an tỉnh Kon Tum có đồng chí Thượng tá Lê Xuân Thủy - Phó Giám đốc cùng lãnh đạo một số đơn vị có liên quan.

Thượng tá Lê Xuân Thủy chủ trì Hội nghị

Ngày 14/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật CSCĐ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Việc Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về lực lượng CSCĐ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với lực lượng CAND nói chung và CSCĐ nói riêng. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý hết sức quan trọng để lực lượng CSCĐ thực hiện nhiệm vụ và xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tại Hội nghị, các đại biểu và Công an các tỉnh, thành phố đã được các báo cáo viên truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Luật CSCĐ gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động, mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, quá trình xây dựng dự án luật và bố cục của Luật Cảnh sát cơ động.

Việc luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, đặc biệt là các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ góp phần tác động tới tình hình trật tự, an toàn xã hội theo chiều hướng tích cực. Theo đó, các quan hệ xã hội được CSCĐ quản lý, thực hiện nhiệm vụ sẽ được bảo đảm ổn định, an toàn, kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phát sinh do có đủ cơ sở pháp lý và phân định rõ phạm vi thẩm quyền của lực lượng này.

Quang cảnh Hội nghị tại Công an tỉnh

Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các ý kiến kiến nghị, đề xuất nhằm vận dụng luật đi vào thực tiễn gắn với từng địa bàn, lĩnh vực đạt hiệu quả tối ưu nhất. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của đại biểu tại các điểm cầu, chỉ ra phương hướng và cách thức triển khai thực hiện Luật phù hợp, khoa học, hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thiếu tướng Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là thật sự cần thiết, với nhiều nội dung mới, sát thực tiễn, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để nâng cao hiệu quả ứng dụng Luật vào thực tiễn công tác, đồng chí đề nghị tăng cường phổ biến rộng rãi nội dung luật tới đông đảo cán bộ, chiến sỹ cùng nắm vững và thực hiện nghiêm; các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ chính quyền ban hành các văn bản triển khai thực hiện chi tiết gắn với điều kiện thực tiễn tại từng địa bàn./.


Tác giả: Tấn Bình