A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh

Theo Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh của Ủy ban nhân dân tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024 công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực, tội phạm, vi phạm pháp luật được kiềm chế.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và cơ bản đi vào nề nếp. Các quyết định xử phạt được thi hành kịp thời, đảm bảo thời hạn luật định, không có trường hợp cưỡng chế thi hành, chưa phát sinh trường hợp khiếu kiện, khiếu nại. Qua công tác xử lý, thể hiện sự răn đe đối với các đối tượng vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

 Các lực lượng chức năng liên quan đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, qua đó đã kéo giảm nhiều loại tội phạm và vi phạm pháp luật về hành chính, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đấu tranh hiệu quả với một số nhóm tội phạm có nguy cơ diễn biến phức tạp như: Tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm; nhóm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tội phạm ma túy… Đã điều tra, khám phá nhiều vụ án, truy bắt nhanh các đối tượng gây án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Theo phân tích các vi phạm hành chính tập trung chủ yếu là vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đất đai, xây dựng, lâm nghiệp... Đối tượng vi phạm chủ yếu có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên.

Lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện 10.276 trường hợp vi phạm hành chính (giảm 614 trường hợp = 5,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó: Đã xử phạt tiền 9.960 trường hợp, thu 20.416.574.238 đồng; xử phạt cảnh cáo 362 trường hợp. Riêng lực lượng Công an, phát hiện 8.702 trường hợp (giảm 314 trường hợp= 3,5% với cùng kỳ năm 2023) và xử phạt 8.344 trường hợp vi phạm, thu 15.013.906.000 đồng, phạt cảnh cáo 362 trường hợp. Giá trị tang vật, phương tiện, hàng hóa bị tịch thu đã tổ chức bán đấu giá theo quy định 5.600.000 đồng. Các khoản tiền khác thu từ xử phạt vi phạm hành chính là 48.350.000 đồng.

Tổng số trường hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: 06 trường hợp (tăng 04 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: 01 trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng, 05 trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (hiện 06 trường hợp này đang chấp hành quyết định).

Công tác điều tra xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Kết quả điều tra giải quyết đảm bảo khách quan, chính xác, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng thường xuyên phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, khẩn trương làm rõ nhiều vụ án và đề nghị truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm.

Về Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Lực lượng chức năng phát hiện 156 vụ, giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số loại tội phạm giảm mạnh (Giết người giảm 50%, Cố ý gây thương tích giảm 71%, Trộm cắp tài sản giảm 17%). Tuy nhiên, trong kỳ, một số nhóm tội phạm vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, việc triển khai công tác phòng ngừa nghiệp vụ mang lại hiệu quả không cao như: Giết người (đều xuất phát từ nguyên nhân xã hội, chủ yếu là giết người thân, xảy ra ở vùng đồng bào DTTS và liên quan đến sử dụng rượu bia); Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (thông qua huy động vốn, góp vốn, chuyển nhượng, thế chấp tài sản...); Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng cả về số vụ và thiệt hại (gồm cả “truyền thống”, trực tiếp và lợi dụng không gian mạng.

 Trong tổng số vụ phát hiện, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã điều tra, khám phá 152/156 vụ (đạt tỷ lệ 97,4%).

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường được kéo giảm, trong kỳ phát hiện 27 vụ - 57 đối tượng (giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là: Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, hàng giả; các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng, phá rừng làn nương rẫy; vi phạm về quản lý, xử lý chất thải liên quan đến các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến mì, mủ cao su... như xả trộm chất thải, bỏ qua một số công đoạn trong quy trình xử lý chất thải. Trong số vụ phát hiện, lực lượng chức năng đã khởi tố, điều tra 12 vụ - 43 bị can.

Phát hiện 55 vụ - 90 đối tượng về ma túy (tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2023), thu giữ: 768,422g Heroin; 500,127g ma túy tổng hợp. Tội phạm về ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, khai thác triệt để các phương thức truyền thống kết hợp với sử dụng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, điều tra, xử lý, nhất là đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây. Nguy cơ xâm nhập các loại ma túy “núp bóng” hướng đến nhóm đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên thông qua việc mua bán, trao đổi trên không gian mạng. Trong tổng số vụ phát hiện, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 55/55 vụ (đạt 100%)(20) .

Điều tra xử lý án về trật tự xã hội: Tổng số vụ án thụ lý điều tra là 230/295 bị can, đã điều tra làm rõ 185 vụ/230 vụ (đạt tỷ lệ 80,4%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%). Điều tra xử lý án kinh tế, môi trường: Tổng số vụ án thụ lý điều tra là 31 vụ/55 bị can(23) , đã điều tra làm rõ 22 vụ/31 vụ(24) (đạt tỷ lệ 70,9%). Điều tra xử lý án về ma túy: Tổng số án thụ lý 92 vụ/137 bị can(25) , đã điều tra làm rõ 91 vụ/92 vụ(26) (đạt tỷ lệ 98,9%).

Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ được chú trọng thực hiện. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở cơ sở đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và tuyên truyền pháp luật 932 đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và tuyên truyền pháp luật với hơn 91.115 lượt người tham gia; 862 lượt tuyên truyền, vận động cá biệt. Qua đó, tiếp nhận 178 nguồn tin có giá trị, phục vụ điều tra 37 vụ án, hỗ trợ bắt giữ 44 đối tượng trong các vụ án…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại một số đơn vị chưa đảm bảo tính pháp lý; việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để; công tác thống kê, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ, kịp thời; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính chưa thường xuyên, liên tục, chưa có sự thống nhất... nên hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Công tác nắm dự báo tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc pháp hiện, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư của chính quyền cơ sở, các tổ chức quần chúng chưa triệt để, kịp thời dẫn đến nhiều vụ việc xuất phát từ các mâu thuẫn nhỏ nhưng lại trở thành các án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giết người.

Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, nhất là đối tượng nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy; thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia của hệ thống chính trị cơ sở…

 

 


Tác giả: Thái Ngân