A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Đăk Rơ Wa - Làm gì để phát triển nhanh và bền vững?

Những năm gần đây, xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng đang được du khách trong và ngoài nước ưa thích, có sức lôi cuốn lớn. Với những đặc trưng và điều kiện riêng có, đây là cơ hội và cũng là thử thách cho chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Kon Tum. Vậy, chúng ta cần phải làm gì? Làm như thế nào để vừa khai thác lợi thế và giải quyết khó khăn về kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Bài viết sau đóng góp một vài ý kiến tham gia xây dựng về Mô hình Làng du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Đăk Rơ Wa,

Nhìn từ thực tế du lịch văn hóa cộng đồng các địa phương và tỉnh Kon Tum.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch đang được nhà nước quan tâm trong những năm gần đây bởi loại hình này giúp kinh tế, xã hội tại những địa phương nghèo, kém phát triển; đặc biệt là những địa phương ở vùng sâu, vùng xa những nơi mà có tỉ lệ người dân tộc thiểu số tập trung đông đảo sẽ được cải thiện từ tiềm năng du lịch.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại du lịch thu hút nhiều du khách bởi sự gần gũi, chân thật của loại hình du lịch này mang lại. Khi đến đây các du khách sẽ được người dân bản địa mời đến làng, bản, nơi người dân bản địa sinh sống; tại đây họ sẽ được người dân bản địa cung cấp chỗ ở và được thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản của địa phương; bên cạnh đó du khách còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường giúp du khách khám phá và tìm hiểu về các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương. Mặt khác với nguồn chi tiêu của du khách khi đến đây sẽ là nguồn thu nhập giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho bản địa.

Ở nước ta có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công. Vùng miền núi Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh; một số tỉnh Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; các tỉnh Tây Nguyên như Ðắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai; các tỉnh Nam Bộ như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng tốt và mang lại hiệu quả cao. Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Ở Kon Tum, với lợi thế là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có bản sắc văn hóa lâu đời. Kon Tum bước đầu khơi dậy làn sóng phát triển mô hình Làng du lịch văn hóa cộng đồng như: Làng du lịch cộng đồng ở làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum và làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Tuy nhiên, việc phát triển vẫn còn có những hạn chế nhất định, như: Còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, việc quy hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ… Vì vậy, du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển một cách bền vững và mang lại hiệu quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân đó là:

1. Tình trạng đầu cơ đất đai xảy ra tràn lan, đất không tạo nên giá trị thực mà chỉ phục vụ số đông cá nhân đầu cơ, tích trữ đất; việc san lấp mặt bằng sai quy định, để hoang hóa dẫn đến thay đổi mỹ quan, sinh thái vốn có.

2. Đa số cá nhân kinh doanh với hình thức hộ gia đình, tư duy kinh doanh manh mún, nhỏ lẽ; không có sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở kinh doanh, du lịch và giữa chính quyền địa phương với các cơ sở này.

3. Kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông chưa được quy hoạch đồng bộ.

4. Việc tuyên truyền, vận động người dân chưa được sâu rộng, vẫn còn nặng hình thức. Người dân chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, chủ trương của chính quyền địa phương đối với việc xây dựng mô hình làm giàu trên chính mãnh đất của mình nhờ du lịch, dịch vụ.

5. Người dân địa phương có bản sắc văn hóa độc đáo, nhiều sản phẩm có giá trị tinh thần, tuy nhiên chưa hình thành được làng nghề truyền thống, chủ yếu là các cá nhân đơn lẻ, chưa tạo được sức hút, uy tín.

Với nhiều hạn chế chứ vậy, đòi hỏi việc xây dựng Mô hình văn hóa cộng đồng cần được định hướng, đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, mà trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.

Xã Đăk Rơ Wa - tiềm năng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Đăk Rơ Wa là một  thuộc thành phố Kon Tum, có diện tích 28,40 km², dân số là 3.931 người, mật độ dân số đạt 138 người/km² (Năm 2019), đa số là người Ba Na sinh sống từ lâu đời với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Xã cách trung tâm thành phố chỉ tầm 5km, nằm trên trục đường qua nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa. Xã có địa hình đa dạng, được sông Đăk Bla bao quanh từ Đông sang Tây, phía Tây và phía Nam có địa hình đồi núi cao xen lẫn hồ, đập, đồng ruộng lúa, phía Bắc giáp phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum và tuyến đường tránh phía Đông chạy dọc theo địa giới hành chính xã.

Nằm bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, Kon K’tu là ngôi làng xa nhất của xã Đăk Rơ Wa, điển hình cho sự phát triển đầu tiên của Mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng. Làng hiện vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa mang đậm chất nguyên sơ, mộc mạc của người Ba Na. Theo số liệu thống kê, mỗi năm làng Kon K’tu đón 700 - 900 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 300 lượt khách nước ngoài, tập trung từ độ tuổi 20 - 50. Đây là điểm sáng tích cực cho niềm tin khơi dậy khát vọng phát triển.

Làng văn hóa cộng đồng Kon K’Tu

Dựa theo mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Kon Tum sẽ ưu tiên “đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ”, “bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn” và trong 3 lĩnh vực cần đột phá, việc đẩy mạnh du lịch với nhiều loại hình được Đảng bộ tỉnh quan tâm, đưa vào Nghị quyết. Dựa trên lợi thế đó, xã Đăk Rơ Wa có đầy đủ tiêu chí để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Làm gì để đưa một xã nghèo của thành phố Kon Tum trở thành một trong những tín hiệu của động lực phát triển nhanh và bền vững tỉnh Kon Tum.

Từ thực tế về phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

1. Tăng cường giáo dục nhận thức và nâng cao hiểu biết cho cán bộ, nhân viên ngành Du lịch, nhất là cho cộng đồng dân cư về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, trong đó đặc biệt chú ý những vấn đề về môi trường, về ý nghĩa của phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu biết và nâng cao nhận thức, tầm nhìn về cơ hội phát triển; định hướng, thay đổi tư duy trong sinh hoạt, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn bản sắc dân tộc của người dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết.

2. Huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt cần huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên… Chú ý huy động sức dân tự nguyện làm du lịch để tăng thu nhập của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Đưa Mô hình vào một trong nội dung trọng tâm của Nghị quyết Đảng bộ xã Đăk Rơ Wa, từ đó nâng cao tính phân quyền, chủ động để chính quyền cơ sở tham mưu và xây dựng chính sách phát triển Mô hình phù hợp với thực tiễn của xã.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải là người đứng ra tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho dân cư về cách làm du lịch cộng đồng, về các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch như lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn du lịch... kể cả vấn đề quản lý, phân chia lợi ích kinh tế trong phát triển du lịch cộng đồng.

  Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, vệ sinh nhà ở, thôn xóm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời có những quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương.    

Hướng dẫn, dạy nghề cho bà con vùng văn hóa du lịch, xây dựng nên các làng nghề truyền thống đặc trưng của người dân tộc thiểu số như: Dệt thổ cẩm, rượu cần, sản phẩm đặc sản, dược liệu… và các sản phẩm đã có thương hiệu OCOP mang thương hiệu của tỉnh Kon Tum.        

4. Tỉnh có các chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng như chính sách thuế, chính sách cho vay, chính sách đào tạo nhân lực, đặc biệt là cần chủ động giúp cộng đồng quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh.     

Chính quyền địa phương cần có nhiều hơn các chính sách, biện pháp cụ thể giúp cộng đồng dân cư kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước và kết nối với nhau để có nguồn khách và để cùng phát triển du lịch. Đồng thời giúp các tổ chức du lịch cộng đồng quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch cộng đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.

5. Việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt, làm theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là công tác tìm hiểu thị trường, quảng bá và các điều kiện phục vụ khách du lịch. Không tính đầy đủ các yếu tố này thì dễ đi đến thất bại.

Cần có sự khen thưởng, động viên khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp làm tốt du lịch cộng đồng, có sự đóng góp tích cực cho xã hội. Đồng thời, nhân rộng điển hình trong tỉnh, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh để làm tốt hơn du lịch cộng đồng.

Để có thể khơi dậy niềm tin, đủ nội lực bứt phá vượt những khó khăn, trở ngại ban đầu, nhất thiết cần có những chủ trương, chính sách đúng đắn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận cách vận hành theo cơ chế thị trường, linh hoạt trong tư duy làm kinh tế là điểm mấu chốt để có thể thành công. Để làm được điều đó, đòi hỏi cần thu hút cá nhân, tổ chức có đủ tiềm lực, kinh nghiệm. Chính quyền cần tạo hành lang thông thoáng, cơ chế phù hợp.

6. Xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi cho việc di chuyển từ trung tâm thành phố về xã, gắn kết các điểm văn hóa, di tích thành một chuỗi liên kết, ví dụ: Điểm di tích Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ, Nhà rông, Cầu treo Kon Klo, Làng du lịch Văn hóa cộng đồng Kon K’tu,…

7. Tăng cường công tác quản lý đối với lĩnh vực đất đai, không để tình trạng đầu cơ, tích trữ đất, sử dụng sai mục đích sử dụng đất xảy ra gây hoang hóa, lãng phí tài nguyên.

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đang có xu hướng phát triển mạnh hiện nay trên cả nước. Để phát triển du lịch cộng đồng đúng cách, có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực hiện những giải pháp đồng bộ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển.


Tác giả: Hoàng Lâm