A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đi mới cho văn hóa cồng chiêng, xoang của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Kon Tum

Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số thành phố Kon Tum lần thứ nhất năm 2022. Hội thi được tổ chức từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 24 tháng 9 năm 2022 tại Nhà rông Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum với sự tham gia của 17 đội cồng chiêng xuất sắc đến từ các xã, phường thuộc thành phố Kon Tum.

Cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể nhân loại trong đợt xét duyệt lần thứ ba các kiệt tác di sản tinh thần và phi vật thể của nhân loại năm 2005. Ðây là loại hình văn hóa phi vật thể thứ hai của nước ta được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản thế giới, sau Nhã nhạc Cung đình Huế vào năm 2003. Đến năm 2008, cồng chiêng Tây Nguyên được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng có mặt ở 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Loại hình văn hóa này do các dân tộc như: Bana, Xê Đăng, Mnông, Cơ Ho, Rơmăm, Ê Đê, Gia Rai … sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên dải đất bazan Tây Nguyên đã coi cồng chiêng, xoang là tiếng nói của tâm hồn, là khát vọng được hòa mình cùng thiên nhiên để mỗi khi có dịp, cộng đồng lại cùng nhau tụ họp, cùng nhau đánh chiêng, múa xoang bên đống lửa, men rượu cần nồng đượmnhà rông cao vút giữa núi rừng hùng vĩ.

Cồng chiêng, xoang là nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên (nguồn ảnh: Internet)

Nhằm tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum đã lên kế hoạch tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số thành phố Kon Tum lần thứ nhất năm 2022. Hội thi được tổ chức từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 24 tháng 9 năm 2022 tại Nhà rông Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum với sự tham gia của 17 đội cồng chiêng xuất sắc đến từ các xã, phường thuộc thành phố Kon Tum.

Hội thi là dịp để các nghệ nhân người dân tộc thiểu số của địa phương được giao lưu, gặp gỡ và là nơi để tôn vinh âm nhạc của cồng chiêng và những điệu múa xoang truyền thống của người dân bản địa. Đến với cồng chiêng, người dân sẽ được hòa mình với âm thanh của thiên nhiên núi rừng hoang dã. Đến với xoang là đến với những vũ điệu nhịp nhàng, uyển chuyển của các thôn nữ. Khi cồng chiêng được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là lúc người dân Tây nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng thấy tự hào hơn vì được sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa đầy màu sắc thú vị ấy. Ngày nay, cồng chiêng, xoang đã trở thành một trong những nét văn hóa độc đáo để phát triển du lịch tại Tây Nguyên. Cồng chiêng còn là hoạt động gắn liền với các nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng sức khỏe, Lễ cầu mùa no đủ ….

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều khó khăn đặt ra cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng, xoang như: Việc buôn bán trái phép các bộ chiêng của người bản địa, các bài cồng chiêng truyền thống dần bị xóa sổ vì không tìm được lớp kế cận để duy trì, nhiều điệu múa xoang bị thất truyền hoặc bị lai căng do ảnh hưởng của âm nhạc hiện đại, nhiều thanh niên người địa phương không có đam mê với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc … Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước như kinh phí để duy trì, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, xoang Tây nguyên chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế đặt ra. Vì vậy, việc tạo ra các sân chơi, các cơ hội để cồng chiêng, xoang Tây Nguyên được sống lại là một hoạt động vô cùng cấp thiết. Khi đời sống vật chất được nâng lên là lúc đời sống tinh thần cần được quan tâm, đầu tư hơn lúc nào hết. Nếu như trước kia, nhu cầu của con người là “ăn no, mặc ấm” thì ngày nay là “ăn ngon mặc đẹp”, được tham gia, trải nghiệm các nhu cầu vui chơi giải trí và phát triển năng khiếu của bản thân. Vì vậy, việc phát triển cồng chiêng, xoang Tây Nguyên không chỉ giúp đồng bào các dân tộc thiểu số duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp người dân bản địa phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Người dân có thể vươn lên phát triển kinh tế bằng việc giới thiệu văn hóa cồng chiêng, xoang đi cùng với ẩm thực, thời trang các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Qua đó, việc phát triển du lịch văn hóa cồng chiêng sẽ mang lại hiệu ứng kép, giúp thu hút nguồn nhân lực trẻ vào việc duy trì các bài chiêng truyền thống, bảo vệ sự “chảy máu” của các bộ chiêng, tạo nguồn thu để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân trong những lúc nhàn rỗi để tăng thu nhập gia đình. Như vậy, có thể nói rằng, việc tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số là một hoạt động rất hữu ích, giúp cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn có cơ hội được giao lưu, là dịp để giới thiệu văn hóa truyền thống đến với khách du lịch và người dân địa phương./.


Tác giả: Bình Yên