A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh giai đoạn 2022 - 2030

Ngày 13/7/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2238/KH-UBND về việc phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh giai đoạn 2022 - 2030

Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh (ATDB) tại tỉnh Kon Tum.

Về mục tiêu cụ thể:

Phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả, ngăn chặn một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, cụ thể: bệnh xuất huyết trên cá trắm cỏ, bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép (SVCV); bệnh do Koi Herpes virus (KHV) trên cá chép; bệnh do virus TiLV trên cá rô phi, điêu hồng; bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus, Aeromonas trên các đối tượng thủy sản nuôi và một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo cảnh báo của tổ chức Thú y thế giới (OIE);

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản xây dựng  thành công 02 cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh; hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, hướng dẫn các đơn vị địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2022 - 2030 đảm bảo hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra theo đúng quy định; trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn, giúp đỡ địa phương thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp triển khai Kế hoạch này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định khác có liên quan, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh, các lực lượng có chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh: đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản lây lan vào địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương, đơn vị có liên quan về việc thực hiện các biện pháp xử lý môi trường trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản....

Các Sở, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung trên. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2022 - 2030.

Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của pháp luật về thú y, thủy sản; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các văn bản hướng dẫn của ngành nông nghiệp về phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản; khi có dịch bệnh xảy ra và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y.

 

 

 


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan