A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em

Tại Hướng dẫn số 02/HD-SLĐTBXH ngày 28/3/2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai tốt nội dung công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2023. 

Theo hướng dẫn, nội dung công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2023 tập trung việc tổ chức thực hiện Chương trình số 641/CTr-BCĐ, ngày 13/3/2023 về Chương trình công tác năm của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Kon Tum năm 2023. Nhằm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 782/KH-UBND, ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023; đảm bảo việc chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 2026/KH-UBND ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Tiếp tục duy trì, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện công tác đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Phân bổ, lồng ghép hiệu quả ngân sách địa phương, bố trí hợp lý nhân lực các cấp theo thẩm quyền để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ về trẻ em trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em tại địa phương.

Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Mở rộng, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia mạng lưới xã hội bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; trợ giúp, hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, chăm sóc thay thế, ưu tiên chăm sóc thay thế tại môi trường gia đình cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động; làm tốt công tác phòng ngừa, hướng dẫn việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các cơ quan có thẩm quyền.

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em. Chú trọng truyền thông, giáo dục đến từng gia đình, trường học, lớp học, cộng đồng dân cư, đặc biệt tại vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Triển khai, duy trì, nhân rộng các mô hình đã được hỗ trợ từ nguồn lực trung ương và viện trợ quốc tế, tập trung các mô hình: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại; cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; mạng lưới kết nối chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời và các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cha mẹ và trẻ em.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình trẻ em, các vấn đề trẻ em. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là các vụ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Tết Trung thu cho trẻ em và Diễn đàn trẻ em các cấp; phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo theo quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; triển khai Đề án 06 các cấp, đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với Công an địa phương tiếp tục thực hiện chuẩn hoá, làm sạch dữ liệu để cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở.

 


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan