A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính

"Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp" là một giải pháp trọng tâm nâng cao chỉ số cải cách hành chính.

 

Ngày 03/8/2022, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Kon Tum có văn bản số 2509/CV-BCĐCCHC về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh yêu cầu các cơ quan Thành viên Ban chỉ đạo CCHC tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC), cụ thể như sau:

Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các văn bản, như: Công văn 1923/UBND-NC ngày 21/6/2022 về triển khai thực hiện một số giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, PAR INDEX trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Thông báo số 2343/TB-VP ngày 28/6/2022 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về Kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm tại buổi họp đánh giá kết quả các chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh và Chỉ số DDCI đối với các sở, ban, ngành, địa phương năm 2021,… Đồng thời triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh công tác giao quyền tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ (Quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới; khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; phấn đấu công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, và xây dựng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Hai là, tích cực chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành, địa phương quản lý theo phân cấp, phấn đấu tăng trưởng nguồn thu dịch vụ, thu sự nghiệp năm sau tăng cao hơn năm trước, làm cơ sở rà soát, chuyển đổi loại hình để nâng mức độ tự chủ một số đơn vị sự nghiệp có nguồn thu tăng khá, thực hiện giảm chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình quy định của cấp có thẩm quyền.

Ba là, chỉ đạo công chức làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia để theo dõi các quyết định công bố TTHC của Bộ ngành trung ương công khai trên Cổng quốc gia để kịp thời trình công bố tại tỉnh theo đúng thời gian quy định.

Bốn là, thường xuyên đôn đốc, theo dõi chặt chẽ quá trình giải quyết hồ sơ TTHC tại đơn vị, đồng thời thực hiện nghiêm việc lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả nếu để hồ sơ quá hạn.

Năm là, tiếp tục thực hiện nghiêm: (1) việc sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân (2) việc công khai nội dung hướng dẫn tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trên Trang thông tin điện tử của địa phương, đơn vị; đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo đúng Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế Quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Sáu là, tăng cường chỉ đạo trong công tác rà soát, đánh giá và kiến nghị đơn giản hóa đối với các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Bảy là, triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh về việc Giao chỉ tiêu cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và giải quyết hồ sơ TTHC năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Công văn số 1663/UBND-TTHCC ngày 31/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đôn đốc, thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tám là, triển khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương về việc thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Kế hoạch số 2215/KH-UBND ngày 12/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Người đứng đầu, lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức tại cơ quan đơn vị và các đơn vị trực thuộc phải có tài khoản theo dõi Hệ thống4 đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có các hành vi chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định pháp luật gây khó khăn, phiền hà trong thực hiện giải quyết TTHC; chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng yêu cầu nộp bổ sung hồ sơ giấy đối với hồ sơ trực tuyến.

Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai Phương án thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh; tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng, trang bị phương tiện máy móc thiết bị để Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết thực hiện tốt công tác tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức và cá nhân.

Đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất, chữ ký số để phục vụ nhiệm vụ số hóa ngay sau khi Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đáp ứng về Kho dữ liệu cá nhân, tổ chức; Kho dữ liệu hồ sơ TTHC; kết nối và chia sẻ dữ liệu với Kho dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí địa phương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ CCHC của các sở, ngành, địa phương; kịp thời giải đáp, phản hồi trên các kênh thông tin chính thống khi có phản ánh của người dân, doanh nghiệp về TTHC liên quan đến từng sở, ngành, địa phương.

 


Tác giả: Thái Ngân