A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ của Công an tỉnh Kon Tum

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đã có hàng triệu người con ưu tú của dân tộc hiến dâng cả cuộc đời mình để giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Góp chung vào nền độc lập, tự do của nước nhà, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), chúng ta hãy cùng nhìn lại những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sỹ của Công an tỉnh Kon Tum.

1. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sỹ Ngô Tiến Dũng

Đồng chí Ngô Tiến Dũng, sinh năm 1948; quê quán: xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí tham gia cách mạng vào tháng 6/1966; hy sinh vào tháng 11/1972. Chức vụ: Đại đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang (A25), Ban An ninh tỉnh Kon Tum.

Năm 18 tuổi, đồng chí Ngô Tiến Dũng gia nhập lực lượng An ninh vũ trang tỉnh. Đồng chí đã tham gia cùng đơn vị đào hàng chục hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ và đồng chí, đồng đội hoạt động; luôn bám sát quần chúng, tuyên truyền, vận động nhân dân giúp đỡ cách mạng. Qua đó, đã xây dựng được sáu cơ sở bí mật, một cơ sở điệp báo phục vụ đắc lực cho nắm đánh địch, đẩy mạnh phong trào đấu tranh lên một bước mạnh mẽ. Và cũng qua đó, đồng chí đã cùng đồng đội diệt được 70 tên địch, gồm 21 sĩ quan, 06 ngụy quyền tình báo, ác ôn và diệt 60 tên cảnh sát, nghĩa quân, phòng vệ dân sự.

Cuối năm 1972, địch tăng cường chính sách “tát nước bắt cá” để thực hiện kế hoạch bình định của chúng. Vùng phía Bắc Kon Tum đã được giải phóng, chúng tìm mọi cách phá hoại và tấn công nhằm phá vỡ phong trào cách mạng của ta, đẩy mạnh chính sách kìm kẹp của chúng. Trước tình hình đó, đồng chí Ngô Tiến Dũng được cử về công tác tại vùng Kon Hring. Trong lúc địch đang đánh phá dữ dội, đội hình đơn vị triển khai chưa kịp, dân chạy lộn xộn và rất lo sợ nhưng vì cuộc sống của nhân dân, Ngô Tiến Dũng đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm để nắm tình hình địch, đưa dân đi sơ tán và trú ẩn. Khi đang thực hiện nhiệm vụ thì một quả bom của địch nổ gần làm đồng chí hy sinh.

Trải qua sáu năm chiến đấu, đồng chí Ngô Tiến Dũng luôn luôn nêu cao tinh thần tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí đã được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng nhiều Huân chương giải phóng và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 06/6/1976.

2. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sỹ Nguyễn Văn Hoàng

Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1949; quê quán: xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia cách mạng vào năm 1965; hy sinh vào ngày 29/10/1971; chức vụ: Phó Ban an ninh thị xã Kon Tum (H5).

Năm 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Kon Tum và đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Năm 1967, để nắm tình hình địch, phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng đã xung phong vào hoạt động ở vùng giáp ranh giữa ta và địch tại ấp Phương Quý. Đồng chí đã mưu trí, gan dạ, chịu khó len lỏi, lúc thì ở hầm bí mật, lúc thì hợp pháp gặp dân, xây dựng được 5 cơ sở bí mật hoạt động tích cực. Đồng chí còn tham gia nhiều trận diệt ác tạo thuận lợi cho lực lượng khác chiến đấu giành thắng lợi.

Từ 1960 – 1971, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng đã trực tiếp diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng như tên Sơn, trung úy tình báo; tên Ngô My, trưởng lưới tình báo; tên chỉ điểm Hồ Thông. Cùng thời gian này, trong một trận càn, địch phát hiện ra hầm bí mật của hai người, trong đó có đồng chí Phan Văn Viêm (mới được tăng cường về làm Trưởng Ban An ninh H5). Mặc dù địch gọi hàng, đe dọa, đồng chí Hoàng đã bình tĩnh, hội ý với đồng chí Viêm bàn kế hoạch giải thoát. Sau khi tiêu hủy tài liệu, đồng chí đã dũng cảm mở nắp hầm bung lên, liên tục ném lựu đạn về phía địch và ôm súng AK chiến đấu, do bị bất ngờ nên địch không kịp đối phó, hai đồng chí đã rút lui an toàn.

Hoạt động trong lòng địch đầy gian khổ, hy sinh nhưng đồng chí không hề nao núng, kiên trì bám trụ địa bàn Phương Quý, lúc bí mật, lúc công khai, lúc cải trang chặn đánh bọn cảnh sát trên đường, diệt ác ôn tại nhà riêng làm cho bọn tề ngụy ở nơi đây hoang mang, lo sợ. Vì vậy chúng đã tìm mọi cách lùng sục, đánh hơi săn tin để phát hiện và tìm diệt đồng chí của ta.

Do có chỉ điểm, địch đã phát hiện ra hầm bí mật của đồng chí Nguyễn Văn Hoàng và Phan Văn Viêm ẩn nấp. Khoảng 09 giờ sáng ngày 29/10/1971, địch đã huy động một đại đội cảnh sát dã chiến cùng xe bọc thép, máy bay trực thăng đến bao vây. Tình thế nguy hiểm nhưng hai đồng chí đã kịp tiêu hủy tài liệu, bung nắp hầm chiến đấu và hy sinh anh dũng. Ngày 03/8/1995, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sỹ Phan Văn Viêm

Đồng chí Phan Văn Viêm, sinh năm 1928; quê quán: xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; hy sinh ngày 29/10/1971. Chức vụ: Trưởng Ban an ninh H5 (thị xã Kon Tum).

Năm 1965, đồng chí Phan Văn Viêm được điều động vào Ban An ninh khu V và được giao nhiệm vụ công tác tại Ban An ninh tỉnh Kon Tum. Năm 1967, đồng chí được điều về Ban An ninh huyện H29 (Kon Plong) và sau đó được điều chuyển về Ban An ninh H5 (thị xã Kon Tum). Đồng chí đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trực tiếp đánh vào nhà lao Mỹ, ngụy tại thị xã Kon Tum. Với cương vị là Trưởng Ban An ninh H5, phụ trách đội công tác A25 bám trụ tại địa bàn Tây Bắc thị xã Kon Tum, đồng chí đã chỉ huy lực lượng đi sâu xây dựng cơ sở bí mật, nắm tình hình địch, xây dựng hành lang phục vụ việc mở chiến dịch đánh địch ở cơ sở nội thị. Tại đây, Mỹ - ngụy ra sức xây dựng ấp chiến lược, thành lập các trung đội dân vệ, đưa lính địa phương về đóng tại Phương Quý. Bọn cảnh sát đặc biệt của ngụy trá hình nắm giữ các chức vụ quan trọng ở chính quyền cơ sở đã tìm mọi cách kiểm soát phá hoại hoạt động của cách mạng, đàn áp phong trào quần chúng. Trước tình hình đó, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng an ninh xây dựng và củng cố lực lượng cơ sở bí mật, cơ sở bảo vệ, cơ sở liên lạc giao thông có chất lượng tốt, đảm bảo cho mọi hoạt động của An ninh H5 và A25. Đã tổ chức cho lực lượng an ninh đào hầm bí mật ngay trong ấp chiến lược để ém quân ra vào thị xã hoạt động, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thuốc men đảm bảo cho các đơn vị chiến đấu. Do có nhiều thành tích xuất sắc và được cấp trên tín nhiệm, đồng chí được đề bạt ủy viên Ban An ninh tỉnh, Trưởng Ban an ninh H5 và đội công tác A25.

Ngày 01/7/1970, tên ác ôn Hồ Thông đã chỉ điểm cho địch phát hiện ra hầm bí mật của A25, trong hầm lúc này có đồng chí Viêm và đồng chí Nguyễn Văn Hoàng (Lê) đang trú ấn. Hai đồng chí đã kịp tiêu hủy tài liệu, bung nắp hầm dùng súng AK, lựu đạn đánh trả quyết liệt làm địch bị động, không kịp đối phó và hai đồng chí đã rút lui an toàn. Trong lúc chiến đấu, đồng chí Viêm bị thương ở cánh tay, khẩu súng ngắn bị rơi khi đã chạy được khoảng 5m nhưng đồng chí đã quyết tâm quay lại lấy khẩu súng và rút lui an toàn. Sau trận rút lui này, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng an ninh đột nhập tiêu diệt tên Hồ Thông ngay giữa ban ngày và tên Ngô My, trưởng lưới tình báo địch làm chúng hoang mang, lo sợ, không dám manh động, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban An ninh thâm nhập sâu vào nội đô, xây dựng thêm nhiều cơ sở.

Ngày 29/10/1971, đồng chí Phan Văn Viêm và đồng chí Nguyễn Văn Hoàng (Lê) đã bị địch phát hiện nơi trú ẩn, chúng dùng mọi thủ đoạn gọi hàng nhưng hai đồng chí đã tiêu hủy tài liệu, bung nắp hầm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Địch đã mang xác hai đồng chí đem về sân vận động thị xã để khủng bố tinh thần quần chúng, làm nhụt tinh thần và ý chí đấu tranh của đồng chí ta, sau đó địch đã mang xác hai đồng chí đi thủ tiêu.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, liệt sỹ Phan Văn Viêm, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một lòng theo Đảng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ sự nghiệp cách mạng, đồng chí thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Đồng chí Phan Văn Viêm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 09/11/2004./.

 


Tác giả: Quang Thắng