A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, ngày 26/8/2022, Ủy ban nhân dân đã có văn bản số 2816/UBND-KGVX chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung công tác như sau:

 

Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em theo Kế hoạch số 2362/KH-UBND ngày 02/7/2020; Kế hoạch số 2026/KH-UBND ngày 18/6/2021 và Văn bản số 45/UBND-KGVX ngày 05/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường..; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ em (nếu có).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ; tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng sống thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với tác động tiêu cực; thực hiện tốt công tác chăm sóc các đối tượng là trẻ em bị xâm hại, kết nối dịch vụ để tạo điều kiện cho trẻ em ổn định tâm lý, hòa nhập với cộng đồng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho các phòng, ban có liên quan và và Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác phối hợp bảo vệ trẻ em, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

 


Tác giả: Thái Ngân