Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
Trong thời gian vừa qua, diễn biến thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài và đây cũng là thời điểm người dân đốt nương rẫy dễ gây ra cháy rừng. Thực tế trong thời gian từ đầu tháng 3 năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 03 trường hợp cháy rừng và đã có thiệt hại về con người và tài nguyên rừng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các Tổ công tác đi thực tế kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương và các đơn vị chủ rừng, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm, xung yếu về cháy rừng; kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.
Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng và các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã được phê duyệt; trọng tâm là Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Thông báo số 5315/TB-VP ngày 15 tháng 12 năm 2022 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; trong đó cần chú trọng các giải pháp:
Thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định; tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ ban đầu; trường hợp đám cháy vượt quá khả năng kiểm soát của cơ sở, báo cáo về Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Chi cục Kiểm lâm) để tham mưu cấp có thẩm quyền huy động lực lượng ứng cứu kịp thời. Quan điểm là phát hiện kịp thời, ngăn chặn từ sớm và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Khẩn trương đôn đốc việc phát, thu gom vật liệu cháy, bổ sung biển báo cấm lửa, biển báo cấm chặt phá, cấm chăn thả gia súc, cấm các hoạt động sản xuất nương rẫy (đặc biệt chú trọng tại các khu vực rừng trồng đang trong thời kỳ chăm sóc; các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng).
Thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị và trực phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng đảm bảo theo quy định, nhất là đối với các vùng có nguy cơ cháy rừng cao.
Theo dõi thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan để có giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia ứng cứu, chữa cháy... khi có cháy rừng xảy ra.
Khi có các vi phạm Luật Lâm nghiệp và cháy rừng xảy ra, tổ chức kiểm tra, xác minh, xác định rõ nguyên nhân, các đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan khi để các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và cháy rừng xảy ra nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.