A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh

Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo sơ kết năm thứ tư thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh hiện có 04 công ty tài chính, 23 cơ sở cầm đồ và 18 đối tượng riêng lẻ nghi vấn cho vay lãi nặng. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, không còn hoạt động công khai, gây bức xúc như thời gian trước, số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” như cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích... hầu như không xảy ra; các vụ việc đòi nợ, xiết nợ, đổ chất bẩn, chất thải ít xảy ra và tình trạng phát, dán tờ rơi quảng cáo cho vay đã được kiểm soát. 

Hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” có xu hướng chuyển sang hoạt động trên không gian mạng, vay trực tuyến, vay qua app... và giải ngân qua tài khoản ngân hàng với mức lãi suất theo quy định nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là thay cho tiền lãi trái quy định). Từ đó, phát sinh tình trạng các đối tượng cho vay gây sức ép đòi nợ bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa người vay và người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay cung cấp khi vay tiền để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh, triệt xóa với các nhóm đối tượng, hoạt động cho vay trên không gian mạng đã có chiều hướng giảm mạnh. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hình thức huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định như cho vay tiền góp, vay lãi ngày, vay thế chấp và chơi hụi, họ, phường; khi người vay không có khả năng trả nợ, các đối tượng cho vay trực tiếp đòi nợ hoặc thông qua các đối tượng hình sự để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật. Có trường hợp đối tượng lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội, pháp luật của người đồng bào dân tộc thiểu số, dụ dỗ người vay viết giấy không ghi lãi suất, sau khi người vay không trả được thì tiếp tục cưỡng ép chuyển hóa việc vay nợ sang hình thức mua bán, thế chấp tài sản (chủ yếu là đất đai) có công chứng hợp pháp, nên việc đấu tranh, làm rõ gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện vi phạm pháp luật; triệt phá các băng, nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp để hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Đồng thời chỉ đạo phát triển và mở rộng các loại hình tín dụng, cho vay hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. 

Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Kon Tum phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm theo kiểu băng nhóm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản..., đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm nâng cao nhận thức của người dân, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cập nhật, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm liên quan như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cho vay lãi nặng… nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức phòng ngừa và tích cực phát hiện, tố giác, hỗ trợ lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội. Phát động quần chúng nhân dân trên địa bàn tháo gỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt liên quan đến kinh doanh tài chính, cho vay lãi nặng. 

Lực lượng Công an các cấp thường xuyên tiến hành kiểm danh, kiểm diện số đối tượng là người đại diện theo pháp luật của các Công ty tài chính, chủ các cơ sở hoạt động cầm đồ, cho vay tiền trên địa bàn và có biện pháp răn đe, giáo dục các đối tượng có biểu biện nghi vấn cho vay lãi nặng, phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền nhằm thu thập danh sách, nhân thân phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh. Triển khai các biện pháp xác minh hoạt động của các Công ty, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tài chính, hoạt động trung gian tiền tệ, hoạt động cấp tín dụng… để chủ động phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Công an nắm tình hình ngay khi phát hiện có đối tượng dán, rải tờ rơi quảng cáo liên quan đến kinh doanh tài chính, cho vay lãi nặng. 

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kon Tum chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp mở rộng, đa dạng các hình thức cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân.

Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên tiến hành kiểm tra các cơ sở dịch vụ kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính… Thực hiện công tác kiểm tra cư trú tại địa bàn cơ sở, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, nắm hộ, nắm người, giải quyết tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, trong đó chú trọng đến các địa bàn tập trung nhiều cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính, nơi nghi vấn có các đối tượng cho vay, đòi nợ thuê trái phép, không vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an chủ động nắm tình hình, xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn làm cơ sở xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tổ Công tác liên ngành phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các đơn vị kinh doanh khác… có biểu hiện vi phạm, làm cơ sở đề xuất triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, phòng ngừa và đấu tranh phù hợp.

Trong đấu tranh với tội phạm liên quan "tín dụng đen", lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, triệt phá 01 tụ điểm hoạt động “tín dụng đen” với phương thức, thủ đoạn là thuê người đi dán tờ rơi quảng cáo và cho vay tiền với lãi suất cao; khởi tố 01 vụ - 02 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ Luật Hình sự.

Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22 tháng 7 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1950/KH-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp.


Tác giả: Khánh Vi