A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế và kéo giảm trong 6 tháng đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế và kéo giảm, đã phát hiện 157 vụ (giảm 17 vụ, chiếm 9,7% so với cùng kỳ năm 2021).

Tuy nhiên, một số vụ giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội vẫn xảy ra, trong đó có vụ đối tượng sử dụng vũ khí đặc biệt nguy hiểm; các nhóm tội phạm về xâm phạm sở hữu tiếp tục chiếm tỷ lệ cao (chiếm 40,7%), tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chủ yếu qua mạng internet) có dấu hiệu gia tăng; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được trấn áp mạnh mẽ, nhưng các đối tượng có biểu hiện thay đổi phương thức, thủ đoạn vay qua app để hoạt động. Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm sử dụng rượu, bia, ma túy gây mâu thuẫn, thương tích và gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản vẫn xảy ra…

Tình hình tội phạm ma túy 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến phức tạp, tội phạm về vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn diễn ra, nhất là tại các tuyến biên giới tiếp giáp với Lào. Trong nội địa, sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội phục vụ phòng chống dịch, hoạt động tổ chức sử dụng, sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (trong kỳ phát hiện 08 vụ/17 đối tượng), chủ yếu tập trung vào số đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tình trạng sử dụng ma túy trái phép các chất ma túy có xu hướng giảm, toàn tỉnh hiện có 218 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (giảm 08 người so với cùng kỳ năm 2021). Trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện 49 vụ/75 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy (tăng 07 vụ so với cùng kỳ năm 2021).

Thời gian tới, việc đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, cùng với những vấn đề khó khăn về kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân, những tích tụ về tâm trạng xã hội sau đại dịch… tác động làm diễn biến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật gia tăng, phức tạp hơn, nhất là các nhóm tội phạm về giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội; tội phạm chiếm đoạt tài sản (trộm, cướp, lừa đảo, lạm dụng); tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là tại quán bar, karaoke, nhà nghỉ… sẽ gia tăng; tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; tội phạm sử dụng công nghệ cao (đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen) tiếp tục gia tăng phức tạp với 13 phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn. Vi phạm các quy định an toàn khi tham gia giao thông, cháy nổ tiềm ẩn gia tăng nếu không triển khai các giải pháp quyết liệt…

Trước tình hình trên, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 06 tháng cuối năm 2022 cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự; huy động sức mạnh của hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, gắn với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tập trung giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp ngay tại địa bàn cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”. Phát huy vai trò của các lực lượng ở cơ sở, nhất là lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, phường, thị trấn và các mô hình, điển hình tiên tiến của quần chúng nhân dân theo hướng tập trung chuyên sâu để phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh ngăn chặn tội phạm; trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở.

Chỉ đạo Công an tỉnh và các lực lượng chức năng liên quan tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý tội phạm để xét xử kịp thời các vụ án điểm (đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, ma túy, cho vay lãi nặng, vi phạm quy định quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản) để phục vụ công tác giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Tập trung phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tệ nạn cờ bạc…, nhất là trên không gian mạng; tổ chức đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và tăng cường truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 1300/KH-BCĐ ngày 23 tháng 4 năm 2022 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh về thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; đánh giá kết quả thực hiện chuyển hóa năm 2021-2022 và tham mưu lựa chọn địa bàn thực hiện chuyển hóa giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh cá nhân và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn đến thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, sử dụng ứng dụng xác thực điện tử (VNEID) trên địa bàn tỉnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, nhằm hạn chế tái phạm, phát sinh vi phạm pháp luật mới. Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, quyết tâm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông.

Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuần tra vũ trang trên các 14 tuyến giao thông và địa bàn phức tạp, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nguy hiểm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Tăng cường năng lực cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trong việc kiểm tra, giám sát và giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ….; tổ chức quản lý chặt chẽ người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm mạnh số người bị kết án phạt tù trốn ngoài xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy trái phép.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phối hợp giữa lực lượng Công an với lực lượng Quân sự, Biên phòng, Đoàn thanh niên, Hải quan, Hội người cao tuổi, Hội Nông dân… trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. – Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và các kiến thức khoa học kỹ thuật mới cho lực lượng phòng, chống tội phạm. Tổ chức tập huấn Luật phòng chống ma túy 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân và gia đình có thành tích trong việc phát hiện, điều tra tội phạm; bảo vệ cá nhân và gia đình người tham gia công tác phòng, chống tội phạm; có chế độ, chính sách phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các tập thể, cá nhân bị thương, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống tội phạm, huy động nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng Quỹ phòng, chống tội phạm để hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Tăng cường công tác trao đổi, cung cấp thông tin về tội phạm với các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia. Tổ chức, phối hợp đào tạo cán bộ phiên dịch, cán bộ làm công tác thông tin, liên lạc… phục vụ hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm – ma túy – mua bán người.

Khánh Vi

 


Tin liên quan