A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. 

100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số. 

70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

100% huyện, thành phố xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.

Lựa chọn, cử tối thiểu 30 công chức, viên chức thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương tham gia chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì để hình thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số.

50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Đến năm 2030, 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Để đạt mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra 03 nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, hỗ trợ triển khai và cơ chế tài chính, cụ thể: 

Nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách: Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách và trực tiếp triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước. Khen thưởng đột xuất và kịp thời cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong chuyển đổi số, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và lợi ích cho cộng đồng.

Nhóm các giải pháp hỗ trợ triển khai: Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số. Hàng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ làm Chuyển đổi số của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Chuyển đổi số; phối hợp sinh viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp…

Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức Nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn về Chuyển đổi số trong phạm vi cơ quan, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người đứng đầu các cơ quan hành chính và tổ chức sự nghiệp công lập từ cấp xã trở lên lựa chọn trong số công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý để phân công 01 nhân sự phụ trách công tác Chuyển đổi số.

Hình thành mạng lưới Chuyển đổi số của tỉnh gồm: các thành viên của Tổ Chuyển đổi số; nhân sự Chuyển đổi số và chuyên viên công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức và các nhân sự huy động từ lực lượng đoàn thanh niên, nhân sự của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thường trực tại địa bàn huyện, xã tham gia. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số cử nhân sự tham gia Chuyển đổi số.

Nhóm các giải pháp về cơ chế tài chính, ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai Kế hoạch này, huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội và các nguồn kinh phí khác cho hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bố trí kinh phí từ ngân sách của mình để đào tạo Chuyển đổi số cho cán bộ thuộc cơ quan, đơn vị mình; đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quản lý và vận hành hạ tầng thiết yếu. Khuyến khích các cơ sở đào tạo đại học ưu tiên bố trí ngân sách từ nguồn tự chủ của mình để triển khai đào tạo, nghiên cứu phát triển về Chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, xác định nhu cầu để có kế hoạch cụ thể hằng năm đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương; chủ động lồng ghép với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí. Phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch này, gửi Sở Tài chính và Sở Nội vụ để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh, các đơn vị có Trang/Cổng thông tin điện tử, các Tạp chí,... đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các nội dung của Kế hoạch.

Các Sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức đối với vai trò và tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng nhận thức về chuyển đổi số. Rà soát, thống kê đối tượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thuộc Kế hoạch và các nhiệm vụ khác liên quan. Báo cáo kết quả bồi dưỡng thực hiện định kỳ, hàng năm và giai đoạn theo quy định.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan