Áp lực thành tích học tập và những vấn đề cần đặt ra cho gia đình, nhà trường và các em học sinh độ tuổi thanh thiếu niên
Trong những ngày qua, vụ nam sinh có tên L.N.N.M (sinh năm 2006) Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam nhảy từ tầng lầu 28 xuống đất tử vong đã khiến cho dư luận xã hội dậy sóng. Trước đó, tối 16/12/2021, bé trai 12 tuổi tên T.T.D sống tại chung cư Goldmark City (Hà Nội) do làm bài thi không tốt nên D. đã nhảy từ tầng 22 xuống đất tử vong, vào cuối tháng 3, một nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Nguyên nhân khiến các em tự chấm dứt cuộc sống của bản thân được cho là do trầm cảm bởi áp lực học hành, thiếu sự đồng cảm và chia sẻ từ cha mẹ. Từ đó, nhiều người đã bày tỏ quan điểm cá nhân là phản đối, thậm chí lên án các bậc phụ huynh đã quá áp đặt thành tích học tập cho các con của mình. Chúng ta cần biết rằng, khi vụ việc xảy ra, dù cộng đồng xã hội có lên án kịch liệt người phụ huynh của nam sinh kia thì cũng không khắc phục được hậu quả đã diễn ra, người nằm xuống cũng đã đi xa nhưng người ở lại phải đối diện với một bi kịch lớn là tâm lý tội lỗi, là nỗi đau mất đi khúc ruột mà mình đã sinh ra và nuôi dưỡng bao lâu nay. Vấn đề đặt ra là xã hội cần chung tay tìm ra hướng giải quyết để những chuyện đau lòng như vậy không còn tái diễn.
Cậu bé T.T.D nhảy từ tầng 22 xuống đất tử vong trước khi xe cứu thương đến.
(nguồn: thanhnien.vn)
Lứa tuổi thanh thiếu niên được xem là giai đoạn phát triển phức tạp của cuộc đời mỗi con người. Ở khoảng thời gian này, các em sẽ có sự phát triển lớn về thể chất cũng như tâm lý, tình cảm. Điều mà các em cần là sự chia sẻ, cảm thông của gia đình. Một thực tế cho thấy, do phải lo kinh tế, vấn đề cơm áo gạo tiền và các mối quan hệ xã hội mà một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh chưa dành thời gian để lắng nghe các con. Ở nông thôn cũng như thành thị, sự phát triển về khoa học công nghệ sẽ kéo theo những hệ lụy, những cạm bẫy mà các bạn học sinh với tâm lý tò mò, ham khám phá sẽ bị cuốn vào và ảnh hưởng đến học tập. Việc tự tử của các em học sinh cho thấy các em không có kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc hợp lý, chưa có phương án giải quyết thích hợp với những vướng mắc, xung đột xảy ra trong gia đình, trong tình cảm hay các mối quan hệ xã hội của mình. Mặt khác, độ tuổi vị thành niên là giai đoạn các em cần được vui chơi, giải trí, được giao tiếp bên cạnh việc học tập kiến thức tại trường.
Áp lực học tập – vấn đề đặt ra với trẻ trong thời đại công nghệ ngày nay.
(nguồn: Internet)
Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ Việt đều coi trọng thành tích học tập, coi con cái như một món trang sức để khoe khoang với xã hội về điểm số hay kết quả ưu tú mà con mình đạt được. Trẻ cần được phát triển toàn diện, học để biết, để làm việc, học để sống có ích, để làm người công dân tốt của xã hội. Thiết nghĩ, trẻ có kỹ năng sống tốt sẽ rất quan trọng. Nó giúp cho các em biến kiến thức thành hành động phục vụ được bản thân, xã hội. Vì vậy, các bậc phụ huynh đừng ép buộc con trẻ trong việc làm sao phải học thật giỏi mà phải trang bị cho các con những kỹ năng và thái độ sống đúng đắn, cần dành thời gian để gần con, yêu thương và chia sẻ với con những khó khăn về tâm lý mà con cần giải quyết. Để làm được điều đó, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ. Thầy cô cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dạy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh. Việc học tập, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, tìm tòi những phương pháp phù hợp với học sinh của mình là việc làm cần thiết và thường xuyên của người giáo viên thời đại 4.0. Bên cạnh đó, bản thân của mỗi học sinh cũng cần có kế hoạch học tập, nghỉ ngơi khoa học, có mục tiêu cho mỗi môn học và biết cách tự tạo động lực trong học tập bằng việc tạo cho mình một không gian học tập yên tĩnh, gọn gàng, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng và được trang trí theo sở thích. Có như vậy, các em sẽ tìm thấy cảm hứng học tập, biết tự mình đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực của bản thân.
Thành tích học tập tốt – đó là điều mà học sinh, cha mẹ và nhà trường hướng đến trong mục tiêu giáo dục các em. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm, tạo cho các em tâm lý thoải mái, tránh để áp lực về thành tích học tập trở thành gánh nặng làm cho trẻ bị dồn vào những suy nghĩ dại dột khi không tìm được hướng giải quyết.
Thu Đỗ – tổng hợp