A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15.7.1922 - 15.7.2022)

Đồng chí Mai Chí Thọ, tên thật là Phan Đình Đống (bí danh Năm Xuân), sinh ngày 15/7/1922, tại xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Đồng chí là con trai út trong gia đình có 5 người con của cụ Phan Đình Quế và cụ bà Đinh Thị Hoàng.

Chân dung đồng chí Mai Chí Thọ

Chân dung đồng chí Mai Chí Thọ

Ngay từ khi còn đi học, năm 1936 đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh Huế - Hà Nội. Từ năm 1938 đến năm 1940 đồng chí tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ, Thanh niên phản đế ở Trường Trung học Nam Định; năm 1939, đồng chí Mai Chí Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Từ năm 1940 đến năm 1945 đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại các nhà tù: Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn) và đồng chí đã bị giam cầm tại Côn Đảo.

Trong thời gian bị tù đày, với biết bao đàn áp, tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí đã luôn kiên cường chiến đấu, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản và cùng với các đồng chí của mình, biến nhà tù của bọn thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Năm 1945, sau khi ra khỏi nhà tù của bọn thực dân đế quốc, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và được tổ chức Đảng phân công làm Bí thư Thanh niên cứu quốc. Năm 1948, sau đó là Trưởng ty Công an và Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Cuối năm 1948 đến năm 1949, đồng chí là Trưởng ty Công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Từ năm 1950 đến năm 1952, đồng chí là Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ, Phó Bí thư và Bí thư Liên chi chính quyền Nam bộ. Từ năm 1952 đến năm 1954, đồng chí là Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ, phụ trách Công an miền Đông Nam bộ. Tháng 7/1954, Hiệp định Geneve ký kết, đồng chí được phân công tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, đồng chí nhận thấy cuộc đấu tranh còn dang dở, phải có nhiều cán bộ đảng viên ở lại để tiếp tục sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên đã xin Xứ ủy ở lại với chiền trường miền Nam. Tháng 12/1954, tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ, Nha Tình báo Trung ương và Bộ Công an quyết định thành lập mạng lưới tình báo phía Nam với tên gọi Ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy, chỉ định đồng chí Văn Viên làm Trưởng ban.

Năm 1955, đồng chí được phân công là Trưởng Ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy, đồng thời, phụ trách trực tiếp Hệ thống tình báo chính trị đi vào các đảng phái và ngụy quyền trung ương mật danh là OT với 6 lưới có tên từ OT3 đến OT8[1]. Lúc này, Ban Nghiên cứu địch tình về hoạt động ở trung tâm Sài Gòn – ngay trong hang ổ địch.

Ngay từ tháng 3/1958, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Xứ ủy Nam Bộ đã hết sức chủ động, đón trước chủ trương đấu tranh vũ trang và quyết định thành lập Ban Quân sự Miền do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm Trưởng ban, với nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang tuyên truyền ở Nam Bộ. “Đảng ủy Quân sự Miền cũng được thành lập, trực thuộc Xứ ủy gồm Mai Chí Thọ, Nguyễn Việt Hồng, Trọng Nhân”. Trước trận Tua Hai, Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh đích thân phân công: Nguyễn Hữu Xuyến làm Chỉ huy trưởng, Mai Chí Thọ Bí thư Đảng ủy, các anh Lê Thanh, Võ Cương làm chỉ huy phó. Bốn người hợp thành Ban Chỉ huy trận đánh chi khu Dầu Tiếng của địch ngày 11/8/1958, gây thanh thế cho cách mạng.

0 giờ 45 phút ngày 26/1/1960, quân giải phóng đồng loạt nổ súng tiến công căn cứ Tua Hai. Mai Chí Thọ là người trực tiếp nghe báo cáo về công tác chuẩn bị trận đánh, trực tiếp báo cáo xin ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh và làm Bí thư Đảng ủy mặt trận này. Tua Hai làm chính quyền Sài Gòn và cả đế quốc Mỹ rung động. Tua Hai tác động rất mạnh tới khí thế của nhân dân toàn miền Nam và nhân dân Sài Gòn, nhân đó ta phát động quần chúng đồng khởi, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến, xây dựng lực lượng và lật ngược thế cờ.

Đồng chí Mai Chí Thọ - Quyền Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã tham gia bảo vệ đồng chí từ khi ở căn cứ về lãnh đạo quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Đồng chí Mai Chí Thọ - Quyền Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã tham gia bảo vệ đồng chí từ khi ở căn cứ về lãnh đạo quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975)

Từ năm 1954 đến năm 1960, đồng chí Mai Chí Thọ là Phó ban và sau đó là Trưởng ban địch tình Xứ ủy Nam bộ. Từ năm 1958 đến năm 1960, đồng chí là Xứ ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ.

Từ năm 1960 đến năm 1965, đồng chí là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ và là Chính ủy Quân khu miền Đông Nam bộ. Từ năm 1965 đến năm 1975, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ, rồi Phó Bí thư và Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Từ năm 1975 đến năm 1976, đồng chí là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định và là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12/1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 3/1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6/1985, đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển sang làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 11/1986, đồng chí được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 12/1987, đồng chí được Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Tháng 5/1989, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng An ninh nhân dân. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII và là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng khóa VIII.

Khi thôi giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí Mai Chí Thọ vẫn tiếp tục dành hết trí tuệ, sức lực và với tất cả tâm huyết đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, quý báu vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Về xây dựng Đảng, về phòng chống tham nhũng, về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc... cổ vũ và tích cực tham gia cuộc vận động “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “khuyến học” và các hoạt động xã hội từ thiện. Đồng chí đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết của các gia đình có công với cách mạng, của đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, của các cháu gia đình nghèo hiếu học. Ngày 28/5/2007, đồng chí từ trần, để lại bao tiếc thương trong lòng nhân dân cả nước.

Đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đọc diễn văn tại buổi mít tinh đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/7/1976. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đọc diễn văn tại buổi mít tinh đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/7/1976

Trong suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, quyết liệt và với 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đồng chí Mai Chí Thọ đã trải qua những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Với cương vị là người lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh đầy khó khăn, phức tạp, đồng chí Mai Chí Thọ là một trong những nhà lãnh đạo đã khởi xướng, đi đầu và rất kiên định trong sự nghiệp đổi mới đúng quy luật và rất thành công của thành phố, đã đóng góp tích cực vào thành tựu đổi mới chung của đất nước.

Là người lãnh đạo của lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh của Tổ quốc, làm nên những chiến công đặc biệt xuất sắc và những truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Mai Chí Thọ đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy chương “Vì an ninh Tổ quốc” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế.

Đồng chí là tấm gương sáng ngời về một người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiên trung, bản lĩnh của cách mạng, một nhân cách lớn, mẫu mực trong công việc cũng như đời thường. Do đó, các thế hệ hôm nay cần nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc hơn về tấm gương của đồng chí Mai Chí Thọ nói riêng, các chiến sĩ cách mạng tiền bối nói chung, về truyền thống anh hùng của dân tộc, từ đó, góp phần nhân lên niềm tự hào và trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 


Tác giả: Hoàng Phúc (tổng hợp)