Lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị
Nhằm bảo đảm việc đào tạo lý luận chính trị được thống nhất, đồng bộ gắn với quy định của Đảng về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan trong đào tạo lý luận chính trị, ngày 08/02/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định số 57-QĐ/TW quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử công tác đào tạo lý luận chính trị của Đảng, Ban Bí thư ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, nội dung Quy định có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cụ thể hóa, bảo đảm sự đồng bộ công tác đào tạo lý luận chính trị với việc đổi mới công tác cán bộ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và phù hợp với tình hình mới.
Quy định số 57-QĐ/TW điều chỉnh đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp và cao cấp trong hệ thống chính trị. Được áp dụng với: Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang; các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ; các học viện, trường, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.
Nội dung Quy định số 57-QĐ/TW bao gồm 04 chương, 12 điều, quy định cụ thể về các quy định chung; đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị; phân cấp đào tạo lý luận chính trị và tổ chức thực hiện. Cụ thể, Quy định số 57-QĐ/TW đã giải thích nhiều từ ngữ liên quan đến việc đào tạo lý luận chính trị như: Đào tạo lý luận chính trị; sơ cấp lý luận chính trị; trung cấp lý luận chính trị; cao cấp lý luận chính trị; phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Đồng thời, quy định đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo của từng bậc trình độ lý luận chính trị:
– Về trình độ sơ cấp lý luận chính trị: Đối tượng học là đảng viên; đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội; công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung. Tiêu chuẩn của người tham gia đào tạo sơ cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
– Về trình độ trung cấp lý luận chính trị: Đối tượng đào tạo là cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại khoản 1, Điều 5 của Quy định, không trùng với đối tượng đào tạo sơ cấp và cao cấp. Đồng thời, lần đầu tiên quy định rõ đối tượng là cán bộ Quân đội, Công an. Tiêu chuẩn của người được đào tạo trung cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải là đảng viên dự bị hoặc chính thức; tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn); với cán bộ học hệ không tập trung thì nữ phải từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.
– Về trình độ cao cấp lý luận chính trị: Đối tượng đào tạo là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện đến Trung ương, không trùng với đối tượng đào tạo trung cấp và phải phù hợp với các văn bản, quy định hiện hành. Tiêu chuẩn của người tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải là đảng viên chính thức, tốt nghiệp đại học trở lên; với cán bộ học hệ không tập trung thì nữ phải từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, Quy định số 57-QĐ/TW đã xác định rõ việc phân cấp nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị: Trung tâm chính trị cấp huyện được giao đào tạo sơ cấp chính trị. Trường Chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Ngoài ra, quy định một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang.
Quy định số 57-QĐ/TW còn nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm các bên liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Yêu cầu các cơ sở đào tạo thuộc các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương hiện đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị sẽ kết thúc nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị từ ngày 01/01/2024. Các cơ sở này phải xây dựng lộ trình để kết thúc khoá học đối với các lớp khai giảng mới và các lớp đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị trước ngày 31/12/2023.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế các điều khoản trong các quy định trước đây không còn phù hợp.
Hoàng Phúc