A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xử lý “sim rác”

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng sử dụng “sim rác” để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, các “cuộc điện thoại rác” liên tục làm phiền người dân diễn ra khá phổ biến, một phần nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc “sim rác” vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Dù tình trạng “sim rác”, “cuộc điện thoại rác” diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên, gần đây lại nổi lên những cuộc gọi cho vay, môi giới bất động sản, chứng khoán liên tục khiến nhiều người dân bức xúc, khó chịu. Thậm chí, không ít các tin nhắn, cuộc gọi từ những “sim lạ” có nội dung lừa đảo. Nhiều người dân dù đã đăng ký danh sách DoNotCall (người dùng di động đăng ký vào danh sách không quảng cáo nhằm tránh tin nhắn rác và cuộc gọi rác), nhưng vẫn bị làm phiền bởi hàng chục cuộc gọi của dân telesale từ mời tham gia mua bảo hiểm, chứng khoán đến nhà đất...

Mặc dù nhiều nhà mạng đã cố gắng ngăn chặn bằng cách thu hồi sim có thông tin thuê bao không đúng quy định (sim rác), song tình trạng tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo có tính chất quấy rầy vẫn liên tục tái diễn, gây bức xúc cho người sử dụng mạng di động. Điều này cho thấy còn có kẽ hở trong quản lý hoạt động đăng ký thông tin thuê bao và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết “vấn nạn” sim rác.

Người dân vẫn có thể mua SIM đã kích hoạt rất dễ dàng (nguồn: Báo Đầu Tư)

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 3/2022 ở Việt Nam còn khoảng 30.000 sim thuê bao di động có thông tin đăng ký không chính xác. Theo quy định, để sử dụng sim chính chủ, người dân phải đăng ký với nhà mạng, cung cấp ảnh chân dung và thông tin cá nhân. Song trên thực tế, nhiều người dân vẫn có thể dễ dàng mua được sim kích hoạt sẵn với mức giá rất rẻ, chỉ khoảng 100.000 đồng.

Do đó, mấu chốt để giải quyết tình trạng này chính là cần thiết phải liên kết dữ liệu căn cước công dân với kho dữ liệu thuê bao từ các nhà mạng để xử lý “sim rác”. Nếu giải quyết được việc này thì cơ bản giải quyết được vấn đề “sim rác”, nếu không có “sim rác” thì hoạt động trên mạng sẽ lành mạnh hơn rất nhiều. Việc trao đổi thông tin, hoạt động lừa đảo, hoạt động trái phép trên mạng sẽ giảm bớt rất nhiều khi tính ẩn danh không còn.

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp với cơ sở dữ liệu của các nhà mạng để xác thực, giải quyết sim rác. Các các doanh nghiệp viễn thông cũng đã có nhiều giải pháp để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chip để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc duy nhất. Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông đã kết nối và đang thực hiện rà soát với cơ sở dữ liệu dân cư và đã thực hiện được 1,5 triệu thuê bao, mục tiêu đến tháng 9/2022, toàn bộ các thuê bao điện thoại di động sẽ phải được rà soát lại chính xác theo cơ sở dữ liệu dân cư.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan