A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tội phạm lợi dụng thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số cán bộ, nhân viên hợp đồng của một số chi nhánh ngân hàng đã lạm dụng chức vụ quyền hạn, lòng tin của khách hàng để chiếm đoạt tiền của người dân.

Theo điều tra của cơ quan Công an, thủ đoạn chính của các đối tượng là lợi dụng vị trí công tác là giao dịch viên của ngân hàng, có trách nhiệm tiếp xúc và tư vấn cho khách hàng gửi tiết kiệm, đã tư vấn khách hàng gửi tiết kiệm theo những chương trình khuyến mại để khách hàng gửi tiền và ký vào những giấy tờ do đối tượng soạn sẵn nhưng thực chất tiền gửi của khách hàng không chuyển vào Ngân hàng mà được chuyển đến tài khoản cá nhân của các đối tượng.

Một số tháng đầu, các đối tượng trả lãi cho khách hàng và đưa thêm tiền ngoài lãi suất ngân hàng với lí do là tiền thưởng khuyến mại để lấy lòng tin. Khi khách hàng yêu cầu nhận sổ tiết kiệm thì lấy nhiều lí do khác nhau để kéo dài từ chối. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng vị trí giao dịch đã đề nghị khách hàng vay vượt mức số tiền theo nhu cầu của khách, sau đó cho các đối tượng vay lại với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng rồi tiêu dùng cá nhân không hoàn trả tiền cho khách hàng.

Hành vi phạm tội của các đối tượng đã gây thiệt hại rất lớn cho các ngân hàng và khách hàng. Theo quy định của pháp luật, người nào lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) với các mức án từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân tuỳ theo giá trị tài sản chiếm đoạt và các yếu tố tăng nặng.

Cơ quan điều tra thấy nguyên nhân có một phần lỗi của khách hàng, đó là không nghiên cứu để hiểu hết các quy trình khi gửi tiền tiết kiệm; không kiểm tra các thông tin trong giấy tờ thủ tục khi ký hồ sơ gửi tiền tiết kiệm, muốn lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng …. những hoạt động trên vô tình đã tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Qua công tác điều tra, cơ quan Công an cũng phát hiện nhiều trường hợp khách hàng khi thực hiện các thủ tục giao dịch như nhận tiền, ký sổ,… với các đối tượng đều ở ngoài trụ sở ngân hàng, ngoài các phòng giao dịch; không có sự giám sát của ngân hàng. Khi đối tượng bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, không trả được tiền thì khách hàng lại tới các ngân hàng yêu cầu phải bồi thường thiệt hại mà đối tượng tự gây ra.

Trước tình hình trên, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tăng cường quản lý Nhà nước, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và được kiểm soát chặt chẽ. Người dân trước khi giao dịch, gửi tiết kiệm, vay vốn ngân hàng cần nghiên cứu kỹ các quy định, kiểm tra nội dung giấy tờ trước khi ký kết, dấu ngân hàng và chữ ký của người có trách nhiệm, bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng và khách hàng.


Tác giả: Hoàng Phúc