A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục chủ động phòng tránh, ứng phó mưa lũ, bão, lũ ống, lũ quét sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác trên địa bàn tỉnh

Ngày 13/9/2024, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 6690/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp tại cuộc họp đánh giá tình hình thiên tai trong thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Thông báo nêu:

Theo dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng có từ 3-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Kon Tum có thể gây mưa lớn, gió mạnh, tập trung vào các tháng 9-11/2024; khả năng xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 100-250mm/đợt. Bài học kinh nghiệm từ cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại nhiều về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại.

Vì vậy để chủ động phòng tránh, ứng phó mưa lũ, bão, lũ ống, lũ quét sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác, đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng; ngoài các giải pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai theo báo cáo đề xuất của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh tại Báo cáo số 55/BC-PCTT ngày 11 tháng 9 năm 2024, đề nghị các sở, ban ngành, Ủy viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát, phân công cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, điều phối, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; đồng thời, tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến thời tiết mưa, lũ, bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, huy động tối đa lực lượng, phương tiện phục vụ tốt công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể các khu dân cư, các khu vực thấp trũng, khu vực sườn dốc để phát hiện khu vực có nguy cơ, những vết nứt mới hoặc các cung trượt để có ngay biện pháp cảnh báo, xử lý kịp thời khi có mưa lớn; kiên quyết di dời, sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo thẩm quyền và quy định, chủ động bố trí nơi tạm trú tránh lũ bảo đảm an toàn về người và tài sản cho người dân.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất”, không để bị động, bất ngờ trước những diễn biến phức tạp của thiên tai; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão mạnh “siêu bão”, lũ quét, sạt lở đất; có kế hoạch, phương án chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu, khu vực dễ bị chia cắt, cô lập để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có thiên tai xảy ra; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hồ đập khi có mưa lũ; kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu vượt sông, cầu treo dân sinh, cầu tạm… đang khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương để kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn giao thông để đưa ra các cảnh báo, biện pháp xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Tổ chức trực ban, thường xuyên đi kiểm tra tại cơ sở, phát hiện nơi có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, có giải pháp triển khai ngay tại cơ sở; thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh; Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh để tham mưu cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ độ Biên phòng tỉnh khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi; theo dõi tình hình thiên tai bão lũ, đôn đốc các ngành, địa phương liên quan triển khai công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.

Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình thiên tai lũ lụt để chủ động chỉ đạo cho học sinh nghỉ học theo quy định; triển khai ứng phó với diễn biến mưa lũ, đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, trang thiết bị dạy học theo quy định.

Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống cầu đường giao thông thuộc phạm vi quản lý, kịp thời sửa chữa, nâng cấp các cầu, cống giao thông hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trong mùa mưa lũ, bão năm 2024; tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra.

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh rà soát, bổ sung phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa; chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sự cố thiên tai gây ra.

Sở Xây dựng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương theo 04 tài liệu hướng dẫn đã được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Viễn thông Kon Tum, Viettel Kon Tum theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường đưa tin về tình hình diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới; phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ năng phòng ngừa, các biện pháp phòng tránh mưa lũ, sạt lở đất; các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh; rà soát, triển khai đồng bộ các phương án bảo đảm thông tin liên lạc, ứng phó kịp thời và đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, lãnh đạo ứng phó thiên tai mưa lũ.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, thông tin kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và các hình thế thời tiết nguy hiểm khác có thể xảy ra để các địa phương, đơn vị liên quan biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả; đồng thời cung cấp thông tin, phục vụ công tác ứng phó của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và người dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi chặt chẽ áp thấp nhiệt đới, diễn biến thiên tai; chủ động cảnh báo, thông báo đến Nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ; báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.

Các Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động bố trí thời gian trực tiếp xuống các đơn vị được phân công phụ trách, cùng chính quyền địa phương (huyện, xã) trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, mưa lũ trên địa bàn theo quy định.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động đôn đốc Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS các huyện, thành phố, các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh chỉ đạo ứng phó thiên tai theo quy định.

 


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan