A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền kết quả 01 năm thực hiện Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 80 - HD/BTGTW về hướng dẫn Báo chí tuyên truyền kết quả 01 năm thực hiện Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021 và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó, thông qua việc tuyên truyền nhằm cổ vũ, động viên các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động; góp phần xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc tuyên truyền tập trung vào các nội dung:

1. Tuyên truyền đánh giá việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình triển khai và những kết quả đã đạt được sau 01 năm thực hiện Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ trung ương đến cơ sở.

Tin tức

Ảnh minh họa

2. Việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật; sự quan tâm đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa, trong đó có phát triển công nghiệp văn hóa để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

3. Kết quả nổi bật về xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong, mỹ tục và các hệ giá trị: quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; những mô hình, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiêu biểu để giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

4. Việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; những chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa để tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Việc khắc phục các hạn chế, khó khăn trong việc đầu tư và phát huy các thiết chế văn hóa, nhất là các thiết chế văn hóa quan trọng.

5. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

6. Công tác xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, doanh nghiệp, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ; việc xây dựng văn hóa số gắn với công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai.

7. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” gắn với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII và đặc biệt là các Kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng mới đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

8. Tuyên truyền 02 Hội thảo khoa học: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 11/2022 và Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12/2022.

9. Công tác đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, phủ nhận các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong thời gian qua về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam và một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

10. Những vấn đề đặt ra sau 01 năm triển khai thực hiện; đề xuất các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo trong thời gian tới.

Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các tuyến tin, bài tuyên truyền nổi bật; đăng, phát nhiều bài viết, chương trình xã luận; khai thác các hình ảnh sinh động, tư liệu lịch sử quý, nét văn hóa độc đáo; điểm những sự kiện chính trị, tọa đàm có liên quan việc triển khai các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong thời gian qua về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; bám sát gợi ý, định hướng trong Bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trên cơ sở đó tập trung làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn mối quan hệ của các hệ giá trị; những thành tố trong mỗi hệ giá trị và đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học, trách nhiệm và hiệu quả trong thời gian tới.

 


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan