A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống của Công an tỉnh Kon Tum và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2020

 

Nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân (CAND) là một công tác khoa học, một bộ phận hữu cơ của khoa học công an, cần được tiến hành thường xuyên và lâu dài. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lịch sử và bảo tàng CAND, xác định đây là một nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên, có vị trí rất quan trọng, Lãnh đạo Công an tỉnh luôn quan tâm, trực tiếp kiểm tra, tăng cường chỉ đạo triển khai sâu rộng công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống. Từ 2011 đến nay, công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, cụ thể như sau:

Công an tỉnh Kon Tum đã cung cấp nhiều tư liệu, sự kiện cho Viện khoa học Lịch sử Công an, các Ban chủ nhiệm nghiên cứu đề tài cấp Bộ; tham gia góp ý, đóng góp khoa học cho nhiều Hội thảo khoa học lịch sử. Tham gia góp ý vào đề cương chi tiết về bố cục, nội dung và phương pháp thể hiện của đề tài: ‘Lịch sử An ninh Khu V thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước’; “60 năm lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, 1945-2005”; lịch sử Công an các Khu và Liên khu…

Hoàn thành biên soạn và xuất bản các tập lịch sử  “Công an Kon Tum – Biên niên sự kiện (1996-2000)”, “Công an Kon Tum-65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1945-2010)”, Biên niên sự kiện lịch sử “Công an Kon Tum (2000-2010)”, “Kỷ yếu 65 năm lực lượng Tham mưu Công an tỉnh Kon Tum (1946-2011)”. Tổng kết lịch sử “Công an nhân dân Kon Tum trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)”, “Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng tham mưu Công an tỉnh Kon Tum”, “Lịch sử Phòng Tham mưu Công an tỉnh Kon Tum, giai đoạn 1991-2015”...  Đây là những công trình khoa học có giá trị lý luận sâu sắc và thực tiễn phong phú, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của CAND nói chung và Công an tỉnh Kon Tum nói riêng; cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ hoạch định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH và xây dựng lực lượng CAND.

Xây dựng hoàn thành Phòng truyền thống Công an Kon Tum với diện tích 5x12m trưng bày hơn 100 hiện vật như: Huân chương giải phóng hạng III của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cán bộ nhân viên ngành An ninh Kon Tum; Huân chương giải phóng hạng III của Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng cán bộ nhân viên ngành An ninh Kon Tum; ba lô, lưỡi lê, xắccót, đèn dầu, bút của đồng chí Phan Văn Viêm-Phó trưởng ban An ninh ninh Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ; hàng rào bảo vệ trại giam H30; cây cuốc và nắp hầm bí mật của bà Lê Thị Luỹ sử dụng đào hầm bí mật, nuôi cán bộ đội công tác A25; mặt nạ phòng độc của đội trinh sát vũ trang A25 thu được của Mỹ năm 1970; 02 khẩu súng K54 của đồng chí Ngô Tiến Dũng và đồng chí Lê Quốc Thành-Ban An ninh Kon Tum sử dụng trong những năm 1968-1972; ảnh chân dung lãnh đạo Ban An ninh Kon Tum qua các thời kỳ; sa bàn mô tả trận đánh diệt ác, phá kìm của Ban An ninh Kon Tum tại địa bàn Phương Quý-Kon Tum…, góp phần làm phong phú bảo tàng, nhà truyền thống và giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ Công an Kon Tum. Đến nay, số hiện vật trên đã chuyển giao cho Viện Lịch sử Công an để bảo quản, trưng bày tại Khu di tích An ninh Khu V, phục vụ công tác giáo dục truyền thống trong lực lượng CAND…

Đạt được kết quả như trên, đó là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, Lãnh đạo Công an các cấp về công tác bố trí cán bộ, về chính sách, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử, bảo tàng Công an và công tác chỉ đạo thực hiện ở địa phương được thống nhất, chặt chẽ là yếu tố thành công trong công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng CAND ở địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng của Công an tỉnh từng bước được củng cố, kiện toàn. Tháng 08/2015, Công an tỉnh đã thành lập Đội Tổng kết lịch sử và Quản lý khoa học thuộc biên chế của Phòng Tham mưu, là đơn vị chuyên trách trong công tác tham mưu về công tác nghiên cứu lịch sử, khoa học của Công an tỉnh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu tổng kết lịch sử được đào tạo chính quy, bố trí đúng người đúng việc nên cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu đã đề xuất nhiều sáng kiến, phương pháp nghiên cứu đúng giúp Lãnh đạo Công an tỉnh củng cố đưa công tác này đi vào nề nếp; biết kế thừa và phát triển những thành quả của công tác nghiên cứu từ những năm trước, đồng thời có tâm huyết và yên tâm công tác là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến kết quả, chất lượng các công trình nghiên cứu tổng kết lịch sử. Ngoài ra, còn có sự tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết của các đồng chí lão thành cách mạng và sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành trong công tác nghiên cứu tổng kết lịch sử ở địa phương, tạo ý nghĩa tích cực công cho công tác biên soạn, tổng kết lịch sử.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, tổng kết lịch sử và bảo tàng truyền thống CAND của Công an tỉnh còn tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng và tương xứng với bề dày lịch sử vẻ vang của lực lượng Công an tỉnh trong sự nghiệp bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH. Nguyên nhân chủ yếu là do một số lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện. Đội ngũ làm công tác này chưa ổn định, chưa được đào tạo về phương pháp nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vụ, tuổi đời còn trẻ; các đồng chí công an lão thành hiện đã tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn, thậm chí qua đời; nhiều nguồn tài liệu thành văn bị thất lạc, hư hỏng, quá trình chia tách, nhập tỉnh cũng gây nhiều khó khăn trong công tác thu thập, nghiên cứu tài liệu; phương tiện, kinh phí mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế.

 

Phòng Tham mưu – Đội ngũ chuyên trách thực hiện

công tác nghiên cứu lịch sử của Công an tỉnh Kon Tum


Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an tỉnh Kon Tum trong thời gian tới, cấp ủy và lãnh đạo Công an các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống CAND giai đoạn 2016-2020, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ công tác của từng đơn vị, địa phương. Nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sỹ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lịch sử và bảo tàng truyền thống CAND; tập trung chỉ đạo, rà soát, khẩn trương hoàn thành, nghiệm thu các công trình nghiên cứu và tổng kết lịch sử đã được giao. Trên cơ sở những ấn phẩm lịch sử của Công an tỉnh đã biên soạn và xuất bản, các đơn vị, địa phương tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ nghiên cứu, học tập, góp phần bổ sung lý luận nghiệp vụ và xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới. Tiếp tục bổ sung tư liệu, nghiên cứu biên soạn lịch sử và lịch sử biên niên đến năm 2020; tổ chức thực hiện cuộc vận động sưu tầm những kỷ vật lịch sử trong lực lượng CAND và trong nhân dân theo hướng xã hội hóa; sưu tầm, phục chế các hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu của Công an tỉnh qua các thời kỳ cách mạng để phục vụ công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; kiện toàn tổ chức, bố trí đủ cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống CAND; đồng thời có kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ kế tiếp có trình độ, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử, bảo tàng truyền thống CAND trong tình hình mới. Phải quan tâm bố trí đào tạo bồi dưỡng để có đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử và bảo tàng truyền thống chuyên trách, có kiến thức và phương pháp nghiên cứu, am hiểu thực tiễn công tác nghiệp vụ Công an, cần cù, chịu khó. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm cho công tác nghiên cứu lịch sử và quản lý bảo tàng đạt hiệu quả, có chất lượng. Đồng thời phải có chính sách thu hút và động viên kịp thời, thường xuyên đối với đội ngũ làm công tác này.

Trên cơ sở những phương hướng đó, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, trực tiếp của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo Công an tỉnh, nâng cao nhận thức của tập thể lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ trong Công an tỉnh về vị trí, tầm quan trọng, của nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân với các mặt công tác công an; xác định công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách và lâu dài, gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị, địa phương.

Thứ hai, theo dõi, cập nhật, lập danh mục các sự kiện; các hội nghị sơ, tổng kết chuyên đề lớn của Công an tỉnh; kết quả thực hiện các mặt công tác; tình hình, vụ việc phức tạp liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn, để chủ động trong công tác thu thập tự liệu, nghiên cứu biên soạn lịch sử. Hướng dẫn các phòng, Công an các huyện, thành phố, nghiên cứu, biên soạn lịch sử và xây dựng truyền thống của các đơn vị, địa phương. Đồng thời, tiếp tục duy trì các hoạt động phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ tham quan, học tập, nghiên cứu, phục vụ tuyên truyền nhân các ngày lễ, các sự liện của tỉnh cũng như trong lực lượng, từng bước đưa bảo tàng truyền thống đi vào hoạt động nề nếp, thường xuyên.

Thứ ba, tổ chức cho cán bộ làm công tác bảo tàng truyền thống đi tham quan học tập các bảo tàng lớn trong nước và phòng truyền thống của các đơn vị Công an các tỉnh. Tiếp tục sưu tầm các hiện vật, hình ảnh, tư liệu để bổ sung hoàn thiện cho các sự kiện qua các thời kỳ chiến đấu, xây dựng lực lượng của Công an Kon Tum.

Thứ tư, tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, biết phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu lịch sử, bảo tàng truyền thống và tranh thủ sự cộng tác, giúp đỡ của các đồng chí Công an lão thành để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử, thu thập bổ sung hiện vật qua các thời kỳ. Khi hoàn thành các công trình khoa học lịch sử phải đưa vào tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ và phải vận dụng vào thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND.


Phòng Tham mưu


Tin liên quan