A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Kon Tum

 

Cùng với truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và bất khuất. Với hòa ước năm 1884, triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp, biến nước ta thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Vào giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã sử dụng bọn tay sai đội lốt giáo sĩ mở đường lên Kon Tum để truyền đạo, lập ra các hội thánh trá hình để cai trị và sau đó là sự chiếm đóng của quân đội Pháp.

Tuy nhiên, bọn chúng đã vấp phải sự kháng cự và chống đối quyết liệt của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mở đầu là cuộc đấu tranh tự phát của các nhóm người Xê Đăng đánh vào nơi có bọn gián điệp đội lốt tu sĩ, cha cố hoạt động. Sau đó, hưởng ứng phong trào Cần Vương, đồng bào Ba Na ở Kon Plong và Xê Đăng đã phối hợp với đồng bào H’re, Ba Na ở Quảng Ngãi, Bình Định nổi dậy đánh Pháp ở miền đông Kon Tum. Trong giai đoạn 1900-1909, nghĩa quân Xê Đăng do Thâu-Mân lãnh đạo, tiêu diệt binh lính Pháp ở Phòng Xá, đồn Đắk Tô; nghĩa quân do IRơ chỉ huy đã phối hợp với nghĩa quân Bacsắc, Savanakhét, Atôpư (Lào) san bằng đồn Pháp ở ngã ba sông Đăka, Đăko, bao vây đồn Đăk Re, phục kích, tiêu diệt nhiều binh lính khi chúng tiến hành càn quét, cướp bóc nhân dân; ông Brô đã chỉ huy một toán quân đánh đồn Đắk Tô và bức rút đồn Kon Tum, giết tên đồn trưởng Robert và 02 sĩ quan khác là Henri và Siege để chống việc bắt đi phu xây đồn điền và các cuộc đấu tranh chống cướp đất, lập đồn điền của người Ba Na, đấu tranh đòi giảm thuế của người Kinh… gây cho Pháp những tổn thất và làm chúng hoang mang, lo sợ. Vì vậy, đến năm 1913, thực dân Pháp mới thiết lập được chế độ cai trị ở tỉnh Kon Tum.

Tuy lập được chế độ cai trị nhưng chúng không thể dập tắt được phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong những năm 1925-1930, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi. Nhiều cuộc nổi dậy của đồng bào Ba Na, Gia Rai liên tiếp nổ ra để chống cướp đất, lập đồn điền, chống sưu thuế. Ở phía Tây Bắc, đồng bào Xê Đăng cùng nổi lên chống bắt đi phu, dời làng làm đường 14 đi Đắk Tô, Đắk Sút của địch… gây ra cho thực dân Pháp những khó khăn, tổn thất nhất định.

Ngày 25/9/1930, những người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp bắt trong cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931) đày lên nhà lao Kon Tum đã tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước cho những ông cai, ông đội trong nhà ngục và thành lập ra chi bộ đảng cộng sản trong binh lính nhà lao Kon Tum, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư. Đây là chi bộ đảng cộng sản đầu tiên được thành lập ở tỉnh Kon Tum và Đảng bộ tỉnh Kon Tum lấy ngày 25/9/1930 là ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh (theo thông báo số 59-TB/TU ngày 17/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum).

 

Khu di tích Nhà Ngục Kon Tum (Ảnh sưu tầm)


Đến đầu năm 1931, chịu ảnh hưởng của chi bộ binh, chi bộ đường phố thị xã được thành lập. Ngay sau khi được thành lập, hai chi bộ đã tích cực hoạt động để tuyên truyền về lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, các hoạt động đó của hai chi bộ đã bị địch phát hiện, đàn áp và nhanh chóng bị tan rã. Phong trào cách mạng ở tỉnh tạm thời lắng xuống nhưng tinh thần và ý chí của những người cộng sản không hề bị khuất phục, vẫn tiếp tục hoạt động để khôi phục phong trào. Từ trong nhà lao, những người tù chính trị cộng sản ở các nơi bị thực dân Pháp đày lên nhà lao Kon Tum đã tổ chức cuộc đấu tranh lưu huyết (12/12/1931) và cuộc đấu tranh tuyệt thực (16/12/1931) để giữ vững khí tiết, phản đối chế độ lao tù hà khắc, giác ngộ tinh thần yêu nước và lý tưởng cộng sản trong quần chúng nhân dân.

Những hoạt động của tù chính trị cộng sản, việc thành lập chi bộ cộng sản trong binh lính địch và sự ra đời của chi bộ đường phố ở thị xã Kon Tum tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn trong phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, nhân tố cơ bản để làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lần lượt đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; từng bước làm thất bại các âm mưu, hoạt động can thiệp, phá hoại của các thế lực thù địch, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ  quốc. Phấn đấu thi đua sản xuất, xây dựng quê hương, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, các tổ chức đầu tiên của lực lượng công an ra đời ở cả 03 miền Bắc – Trung – Nam. Ty Công an Kon Tum cũng được thành lập, được Đảng lãnh đạo và rèn luyện; được nhân dân tin yêu, đùm bọc và giúp đỡ; các cấp, các ngành và đoàn thể phối hợp, ủng hộ. Đến nay, Công an Kon Tum đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam./.


Minh Đạt (Phòng Tham mưu)