A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 41 năm Ngày Truyền thống Pháp chế Công an nhân dân (27/10/1975-27/10/2016)

 

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự bằng pháp luật của lực lượng Công an nhân dân trong điều kiện đất nước đã thống nhất, được sự ủy quyền của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đồng chí thứ trưởng Lê Quốc Thân đã ký Quyết định số 2493/BNV/QĐ ngày 27/10/1975 thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an). Theo quyết định này, Phòng Pháp chế có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý thống nhất công tác pháp chế, hướng dẫn thi hành pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ nội vụ, nghiên cứu đề xuất với Bộ trưởng ban hành văn bản pháp quy cần thiết cho công tác an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Ngày 21/01/1977, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/CP thành lập Vụ Pháp chế thuộc Bộ Nội vụ. Đây là Vụ Pháp chế đầu tiên được thành lập ở một Bộ, sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới của công tác pháp chế nói chung và trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn, xã hội, góp phần đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, trấn áp bọn phản cách mạng, đập tan âm mưu ngóc đầu dậy của các loại phản động, tăng cường pháp luật và kỷ luật, bảo vệ trật tự xã hội và sự an toàn của nhân dân.

Ngày 18/6/1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký ban hành Quyết định số 22/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Pháp chế. Về tổ chức bộ máy, Vụ Pháp chế gồm có: Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Phòng nghiên cứu pháp luật trong nước và luật lệ quốc tế; Phòng Hệ thống hóa luật lệ, tư liệu.Đến ngày 15/5/1985.đồng chí Thứ trưởng Trần Đông đã ký ban hành Quyết định số 57/QĐ-BNV quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế Công an các đơn vị, địa phương

Năm 1986 là năm có nhiều sự kiện mang tính lịch sử của dân tộc ta. Đây là thời kỳ chứng kiến nhiều diễn biến về chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới. Để tinh giản bộ máy phù hợp với tình hình mới, ngày 21/7/1987, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an), đồng chí thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đã ký Quyết định số 48/QĐ-BNV kiện toàn một bước tổ chức của một số vụ, cục trực thuộc Bộ trưởng, trong đó giải thể Vụ Pháp chế, thành lập Tổ chuyên viên pháp chế thuộc Văn phòng Tổng hợp (nay là Văn phòng Bộ Công an), làm tư vấn pháp luật giúp Bộ trưởng về cac vấn đề có liên quan đến pháp chế thuộc chức năng của Bộ Nội vụ. Trong giai đoạn này, mặc dù biên chế chỉ là Tổ chuyên viên pháp chế thuộc Văn phòng Tổng hợp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, cán bộ pháp chế đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở pháp ký để bảo vệ an ninh, trật tự, tiêu biểu là các công việc như: xây dựng Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân năm 1987; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân năm 1989; Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 1989 và các văn bản triển khai thi hành.

Ngày 20/11/1991, đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký quyết định số 1584/QĐ-BNV thành lập lại Vụ Pháp chế; tăng cường pháp chế XHCN trong CAND. Cùng với việc ổn định về tổ chức bộ máy, ngày 1/10/1992, đồng chí Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-BNV(V19) về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lực lượng Công an nhân dân. Thi hành Chỉ thị này, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã kiện toàn tổ chức pháp chế ở đơn vị, địa phương mình, bố trí cán bộ có trình độ pháp luật, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ trưởng đề ra.

         Ngày 16/9/1996, Bộ Công an quy định chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ hệ công tác pháp chế, trong đó hệ công tác pháp chế gồm 9 chức danh (05 chức danh sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy, 04 chức danh sĩ quan nghiệp vụ), điểm đáng chú ý là chức danh chuyên viên pháp lý, trợ lý pháp lý bậc 1, trợ lý pháp lý bậc 2 được áp dụng với cả Vụ Pháp chế và các đơn vị ở cơ quan Bộ và Công an các đơn vị, địa phương. Ngày 19/10/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Quyết định số 1033/2001/QĐ-BCA(X11) về Ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân theo đó  ngày 27/10 là Ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân.

        Ngày 25/3/2014, Vụ Pháp chế được đổi tên thành Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Ngày 16/6/2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 3105/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của  Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, theo đó Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng về pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; thống nhất quản lý công tác pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp trong Công an nhân dân; tổ chức thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hóa quy phạm pháp luật; quản lý công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thi hành pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; thực hiện quản lý công tác bồi thường của Nhà nước và thực hiện dân chủ trong Công an nhân dân; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công an; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với pháp chế Công an các đơn vị, địa phương.

 

C:Documents and SettingsAdminLocal SettingsTemporary Internet FilesContent.WordIMGP9181.jpg

Phòng Tham mưu Công an tỉnh Kon Tum, đơn vị chuyên trách về

công tác pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp


41 năm qua, quá trình hình thành và phát triển của lực lượng Pháp chế gắn liền với quá trình phát triển ngày càng lớn mạnh của lực lượng Công an nhân dân; là một lực lượng có tổ chức từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương. Trong những năm qua, Công an tỉnh Kon Tum là một trong những đơn vị, địa phương luôn quan tâm đến công tác pháp chế, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế lớn mạnh về tổ chức và hoạt động. Tiền thân thuộc Đội Kế hoạch-Tổng hợp Công an tỉnh, sau này là Đội Pháp chế, nghiên cứu, khoa học lịch sử (thành lập vào tháng 2/2009) nay là Đội Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp trực thuộc Phòng Tham mưu Công an tỉnh và đội ngũ cán bộ pháp chế kiêm nhiệm tại các đơn vị, Công an các huyện, thành phố đã luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Lãnh đạo Công an tỉnh, Lãnh đạo đơn vị, địa phương giao phó. Qua công tác thống kê, hiện nay cán bộ làm công tác pháp chế trong Công an tỉnh là  65 đồng chí, trong đó cán bộ pháp chế chuyên trách: 05 đồng chí, 60 đồng chí kiêm nhiệm, trình độ: 02 Thạc sỹ; 47 Đại học. Đội ngũ này luôn được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ với các hình thức thích hợp; thường xuyên được cung cấp tài liệu, văn bản hướng dẫn về chuyên môn; tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế do Bộ Công an tổ chức. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ pháp chế đã giúp Lãnh đạo đơn vị tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác tham mưu, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác theo dõi kiểm tra thi hành pháp luật, công tác thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ cũng như công tác cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế Công an tỉnh Kon Tum đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen trong các lĩnh vực công tác, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, cùng nhau đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội  tại địa phương  trong tình hình mới.


Trương Hằng