A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chiến công xuất sắc của lực lượng Cảnh sát nhân dân P.2

 

Chào mừng 53 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2015)

Từ những năm đầu mới thành lập, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triệt phá thành công nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, góp phần kiềm chế các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; qua đó cùng với các lực lượng khác của Ngành Công an thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó và được nhân dân cả nước tin tưởng, yêu mến.

Dưới đây xin điểm lại một số chiến công xuất sắc của lực lượng CSND trong thời gian qua:

(Tiếp theo và hết)

Vụ án Minh Phụng – Epco

Đây là một trong những vụ án kinh tế nổi tiếng nhất của Việt Nam thập niên 90, gây chấn động dư luận và được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Trải qua hơn 02 năm điều tra, ngày 21/5/1999, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử với tổng số 77 bị cáo. Kết quả, 6 bị cáo bị tuyên án tử hình trong đó có Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn; 06 bị cáo bị tuyên án chung thân; những bị cáo khác bị các mức án khác nhau.


alt

Tăng Minh Phụng tại phiên tòa xét xử


Cho đến tận bây giờ, vụ án Minh Phụng-Epco vẫn đang giữ khá nhiều kỷ lục, đặc biệt về giá trị tài sản phải thi hành án, theo đó các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 Ngân hàng Thương mại: Công thương Việt Nam (Incombank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Công thương Ngân hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD. Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án cũng đứng hàng ‘top ten’ với trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự… khối tài sản này Tòa án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng.

Vụ án Tân Trường Sanh

Vụ buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Tân Trường Sanh do Trần Đàm cầm đầu. Từ tháng 8/1994 đến tháng 8/1997, Trần Đàm móc nối với cán bộ hải quan thuộc Cục Hải quan TP HCM, Thừa Thiên – Huế, Long An, Cần Thơ… nhập lậu vào Việt Nam 903 container hàng hóa, trong đó có 544 container hàng lậu (chủ yếu là đồ điện tử, điện lạnh), 77 ôtô dạng khung gầm… với tổng trị giá trên 1.100 tỷ đồng. Tính đến thời điểm đưa ra xét xử (ngày 25/3/1999) , đây là vụ án buôn lậu, hối lộ và tham nhũng lớn nhất ở nước ta được đem ra xét xử. Tòa án đã tuyên 02 án tử hình (trong đó có Trần Đàm), 06 án tù chung thân; các bị cáo khác bị tuyên các mức án khác nhau.

Vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn: Vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam

Vụ án Trương Văn Cam và đồng phạm là một vụ án lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương. Quá trình hình thành và phát triển tổ chức tội phạm theo kiểu ‘xã hội đen‘ do Trương Văn Cam cầm đầu đã được phanh phui và phơi bày trước ánh sáng, được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Trương Văn Cam là đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, hoạt động phạm tội có tổ chức theo kiểu ‘xã hội đen’, liên tục gây ra nhiều tội ác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong nước trong một thời gian dài với nhiều hành vi dã man, tàn bạo; thủ đoạn trắng trợn, thâm độc gây nên phẫn nộ lớn trong dư luận nhân.

Tháng 5/ 2001, để điều tra quá trình hình thành và hoạt động tội phạm có tổ chức theo kiểu ‘xã hội đen’ của  Trương Văn Cam và đồng phạm, Bộ Công an Việt Nam đã thành lập một chuyên án với bí số là Z5.01. Chỉ huy Chuyên án là Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Nhân dân. Tháng 12 năm 2001, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố Vụ án. Tháng 10 năm 2002, Cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân để đưa ra xét xử. Ðây là một vụ án kỷ lục về số lượng bị can, tội danh và cả về tính chất nguy hiểm.

 

alt

 

Thời gian xét xử vụ án từ ngày 25 tháng 2 năm 2003 đến ngày 5 tháng 6 năm 2003, phiên tòa kéo dài 57 ngày không kể thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ, từ 8 giờ 00 đến 17 giờ 00 hằng ngày (dự kiến lúc đầu là 55 ngày, kết thúc ngày 30/5/2003). Kết quả, Hội đồng xét xử tuyên 6 án tử hình (trong đó có Trương Văn Cam), 5 án chung thân và có tổng số phạt tù giam nhiều nhất.

Vụ đại án ma túy gần 5.000 bánh heroin

Đây là vụ án mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia với số lượng đặc biệt lớn, nhiều chủng loại ma túy khác nhau từ Lào qua Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và người nước ngoài. Tính chất hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, sử dụng nhiều loại vũ khí quân dụng và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định được 5 đường dây hoạt động với mô hình “đại lý” cấp 1 và cấp 2 để phân phối ma túy ra các tỉnh, thành phố trong nước và sang Lào, Trung Quốc.

Ngày 3/1/2014, TAND tỉnh Quảng Ninh đã đưa vụ án ra xét xử với 89 bị cáo và tuyên phạt 30 bị cáo mức án tử hình, 13 bị cáo mức án tù chung thân, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ cảnh cáo đến 20 năm tù giam, liên quan đến các tội danh mua bán trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; không tố giác tội phạm; kinh doanh trái phép; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; giả mạo trong công tác; đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.

 

alt

Phiên tòa sơ thẩm tại tỉnh Quảng Ninh


Trong số 89 bị cáo bị kết án ở phiên sơ thẩm, có 40 bị cáo kháng cáo, lý do chủ yếu là xin giảm hình phạt, một bị cáo xin xem xét lại tội danh, một bị cáo kêu oan. Trong số 40 bị cáo kháng cáo chỉ có một bị cáo là Nguyễn Xuân Phú đã xin rút kháng cáo tại phiên phúc thẩm. Căn cứ tính chất vụ án, hành vi phạm tội của các bị cáo, Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với một bị cáo, chấp nhận kháng cáo một phần của 5 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo còn lại. Duy nhất bị cáo Nông Văn Len được Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân; 29 bị cáo bị án tử hình còn lại vẫn giữ nguyên bản án.

Vụ thảm sát tại Bình Phước

Rạng sáng 7/7/2015, các đối tượng đột nhập vào nhà của ông Lê Văn Mỹ ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, khống chế và sát hại 6 người trong gia đình, nạn nhân ít tuổi nhất mới 14 tuổi, chỉ có cháu bé 18 tháng tuổi may mắn thoát chết.

Phải khẳng định rằng, chưa bao giờ một vụ án đặc biệt nghiêm trọng với những tình tiết dã man nhất đến như vậy xảy ra tại Việt Nam. Thời điểm xảy ra vụ án mạng diễn ra giữa đêm khuya, ít người qua lại, hiện trường vụ án rộng lớn, bị xáo trộn…; hơn nữa thủ phạm đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để gây án, xóa dấu vết, đánh lạc hướng cơ quan Công an…. Đó là những khó khăn, thách thức lớn đối với công tác điều tra. Tuy nhiên với tinh thần kiên quyết tìm ra thủ phạm trong thời gian nhanh nhất, Bộ Công an đã huy động những lực lượng tinh nhuệ tập trung điều tra, đến ngày 10/7/2015 đã bắt được 02 thủ phạm là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ tại ấp Long Hạ, xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Phú Nguyên, Phú Riềng, Bình Phước). Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ-Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hồ sơ nghiệp vụ-Bộ Công an  khẳng định  “Lịch sử chưa có vụ án nào mà thời gian phá án nhanh đến như vậy’. Đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang đã gửi thư khen các đơn vị tham gia Chuyên án. Trong thư Bộ trưởng nêu rõ ‘Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc’.

Ngày 13/7/2015, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến về hành vi Giết người và cướp tài sản.

 

alt

Hai đối tượng Vũ Văn Tiến và Nguyễn Hải Dương


Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra. Dư luận nhân dân hết sức quan tâm và mong muốn vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất để kẻ thủ ác sẽ phải đền tội.

Thời gian đã trôi qua, mỗi trang sử hào hùng của dân tộc, mỗi biến đổi trọng đại của đất nước trên chặng đường chiến đấu, bảo vệ cũng như xây dựng, phát triển luôn có sự đóng góp của lực lượng Cảnh sát nhân dân với biết bao nhiêu chiến công xuất sắc. Mỗi chiến công là bao công sức, trí tuệ, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, góp phần làm đẹp thêm lịch sử vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào với những thành tích đã đạt được, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nguyện phấn đấu hơn nữa, cống hiến hết sức lực và trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước giao phó, mãi mãi xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Bác Hồ và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước.


Trung Kiên – Phòng Tham mưu