A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lịch sử hình thành và phát triển của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Kỳ 3: Lực lượng dân phòng)

Xác định được vị trí, tầm quan trọng của Nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước ta chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương quan trọng về huy động sức mạnh của Nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, lực lượng dân phòng cũng được xác định là một trong những lực lượng quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy. Trong Pháp lệnh đã có những nội dung quy định về lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Tiếp đó, trong thư khen gửi Đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Sở Công an Hà Nội ngày 03/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng dân phòng.

Chỉ thị số 35-CT ngày 14/5/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp phát động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội: Để tạo điều kiện cho phong trào ở cơ sở, cần thành lập “Hội đồng bảo vệ trật tự an toàn xã hội” ở phường, xã do Mặt trận Tổ quốc chủ trì và chính quyền địa phương chỉ đạo, củng cố các đội dân phòng. Công an phải hỗ trợ và có trách nhiệm bảo vệ quần chúng trong các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Cho phép lập “quỹ bảo trợ an ninh trật tự” do sự tham gia đóng góp của nhân dân, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn phường, xã. Chỉ thị số 35-CT nêu trên chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách cho đội dân phòng. Căn cứ vào Chỉ thị số 35-CT nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành các quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của đội dân phòng ở xã, phường, thị trấn, trong đó quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của đội dân phòng.

Ngày 19/4/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 237/TTg về việc tăng cường các biện pháp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan biên soạn Điều lệ hoạt động của các đội dân phòng và Nghị định xử phạt các hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để trình Chính phủ…

Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy quần chúng, trong đó có lực lượng dân phòng, ngày 21/4/1998, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 230/1998/QĐ-BNV(C11) về việc ban hành quy định chế độ huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy quần chúng: Huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm bồi dưỡng và nâng cao kiến thức PCCC cho lực lượng PCCC của quần chúng gồm những người dân làm công tác PCCC ở các khu dân cư (dân phòng) và những người làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó, đội viên dân phòng là một trong những đối tượng được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kết quả huấn luyện về công tác phòng cháy, chữa cháy; Quyết định này cũng quy định về trách nhiệm, quyền lợi của đội viên dân phòng khi tham dự lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.

Ngày 29/6/2001, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao nhất quy định về đội dân phòng. Theo đó, Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh, trật tự ở nơi cư trú. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất quy định về Đội dân phòng. Theo đó, Đội dân phòng thực hiện 2 chức năng là tham gia phòng cháy và chữa cháy ở nơi cư trú và tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú. Tuy nhiên, tại các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy chỉ quy định về các hoạt động, chế độ, chính sách, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng… lực lượng dân phòng liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy ở nơi cư trú; còn các quy định về chức năng của lực lượng dân phòng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở nơi cư trú chủ yếu được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của các địa phương, cụ thể là quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua nghiên cứu quyết định về lực lượng dân phòng của một số tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang… lực lượng dân phòng các địa phương chủ yếu có chức năng tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và tham gia thực hiện một số biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật giữ gìn an ninh, trật tự ở ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn. Đội dân phòng có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các tai nạn khác theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Công an; tổ chức tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh, trật tự để phòng ngừa, phát hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trên địa bàn, các khu vực dân cư theo chương trình, kế hoạch được duyệt của Trưởng Công an cấp xã và theo hướng dẫn của Cảnh sát khu vực, Công an viên…

Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 cũng quy định lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy toàn dân; quy định về thành lập, quản lý, chỉ đạo đội dân phòng tại thôn, ấp, bản, tổ dân phố và tại cơ sở; nhiệm vụ của lực lượng dân phòng; huấn luyện, bồi dưỡng, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, điều động và chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng. Theo đó, tại thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý và chỉ đạo. Lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; chịu sự điều động của cấp có thẩm quyền để tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Lực lượng dân phòng được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và khi trực tiếp tham gia chữa cháy theo quy định của Chính phủ.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 đã đi vào đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập: hoạt động phòng cháy, chữa cháy của lực lượng dân phòng chưa đạt hiệu quả cao như yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân một phần do Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 còn thiếu những quy định cụ thể về kinh phí đầu tư, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cũng như chế độ, chính sách phù hợp cho lực lượng này.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 được ban hành, nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa cơ sở pháp lý và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói chung và phòng cháy, chữa cháy nói riêng trong tình hình mới, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Sau khi Quốc hội ban hành Luật, Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lực lượng dân phòng như:

– Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 /11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy;

– Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

– Thông tư số 48/2015/TT-BCA ngày 06/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang phục chữa cháy của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

– Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

– Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

– Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức, hoạt động của lực lượng dân phòng đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả. Đây là những văn bản pháp lý cao nhất thể hiện tính kế thừa, tính thực tiễn dựa trên cơ sở yêu cầu phát triển của đất nước với những nguyên tắc mang tính khoa học, tính quần chúng cao, thể hiện vai trò quan trọng của lực lượng dân phòng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Như vậy, qua các thời kỳ phát triển của đất nước, lực lượng dân phòng ngày càng được củng cố, phát triển, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của Bộ Công an, lực lượng dân phòng trong toàn quốc đã được củng cố, kiện toàn. Theo thống kê của Bộ Công an năm 2020, toàn quốc đã thành lập được 42.476 đội dân phòng với trên 543.095 đội viên. Lực lượng dân phòng trên toàn quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng Công an các cấp. Đại đa số các thành viên của lực lượng dân phòng tham gia rất nhiệt tình, tích cực vào các hoạt động. Khi nhận nhiệm vụ thực hiện rất nghiêm túc, đảm bảo theo yêu cầu công tác đặt ra với tinh thần, trách nhiệm rất cao được quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Các đội dân phòng đã tham gia tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình và cung cấp nhiều thông tin quan trọng có liên quan đến ANTT, giúp công an, xã, phường, thị trấn, giải quyết các vụ việc có liên quan, làm rõ nhiều vụ án hình sự, khởi tố các đối tượng phạm pháp, tích cực tham gia hòa giải thành các vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Đồng thời, thường xuyên tham gia phối hợp với lực lượng Công an tuần tra, kiểm soát địa bàn. Qua đó, đã kịp thời bắt giữ các đối tượng đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, giải tán tụ điểm đánh bạc, giáo dục các đối tượng thanh thiếu niên tụ tập về khuya…

Ngoài ra, lực lượng dân phòng còn phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương, người dân tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đối tượng các loại tại cộng đồng dân cư để giúp các đối tượng tiến bộ và có việc làm ổn định. Tham gia phát hiện, truy nã các đối tượng có quyết định truy nã và vận động đối tượng vi phạm pháp luật đang lẩn trốn ra đầu thú…

Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng dân phòng đã không quản ngày đêm, tham gia sắp xếp, ổn định, bảo vệ trật tự tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, điểm tiêm ngừa vacxin, khu vực phong tỏa, hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, phát quà người dân khó khăn trên địa bàn xã. Lực lượng dân phòng đã cùng lực lượng Công an cấp xã sát cánh cùng các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch có mặt xuyên suốt tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chặt người và phương tiện qua lại trên địa bàn xã.

Quá trình tham gia với Công an chính quy thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cơ sở, lực lượng dân phòng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi tình hình thế giới, khu vực liên quan đến an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Do đó, cần kịp thời có những khảo sát, đánh giá đúng thực trạng hoạt động của lực lượng dân phòng để có giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc hiện tại; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến lực lượng dân phòng để góp phần phát huy vai trò của quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hoàng Phúc (tổng hợp)

 


Tin liên quan