A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung rất khoa học, phù hợp với thực tiễn

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những dự án luật quan trọng được Bộ Công an xây dựng và trình lên Quốc hội. Dự án Luật nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng quần chúng ở địa bàn cơ sở; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng cho việc xây dựng, hoạt động, quản lý sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Ảnh minh họa (nguồn: bocongan.gov.vn)

Theo Bộ Công an, dự án Luật gồm 06 chương 34 điều; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự án Luật cũng quy định Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này.

Để được tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, phải là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có các tiêu chuẩn sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

- Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

- Có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông trở lên. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở trở lên; trường hợp không đủ người thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình tiểu học.

- Đã đăng ký thường trú hoặc có thời hạn tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bao gồm: (a) Phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở; (b) Tham gia hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và lực lượng khác ở cơ sở bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng địa bàn cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác; (c) Phối hợp với đoàn thể quần chúng, tổ chức quần chúng tự quản ở địa phương, dân phòng, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết tranh chấp, mẫu thuẫn về an ninh, trật tự ở cơ sở;

Dự án Luật đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý vào ngày 18/8/2023. Theo đó, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã trong bảo đảm ANTT ở địa phương; đặc biệt, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung rất khoa học, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cần xác định rõ hơn địa vị pháp lý, tính chất của lực lượng này. Cần xác định, đây là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập, tổ chức, đảm bảo trên cơ sở tham gia tự nguyện của công dân. Đồng thời, cần đánh giá cụ thể một số nội dung khác như: Kinh phí cho trang phục; công cụ hỗ trợ; bảo hiểm y tế…

Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong kỳ họp thứ 6 năm 2023. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với công tác bảo vệ ANTT của đất nước trong tình hình mới.


Tác giả: Hoàng Phúc