A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thẻ căn cước - tên gọi mới phù hợp với thông lệ quốc tế và tiện lợi cho người dân

Trong dự thảo Luật Căn cước, một trong số những nội dung thu hút sự chú ý của dư luận là việc đổi tên “thẻ căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”. Vậy, việc đề xuất thay đổi này có thể mang lại những ích lợi gì?

Mẫu thẻ Căn cước công dân hiện hành

Theo Bộ Công an, việc đổi tên thẻ là để thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch… Quy định tên gọi là thẻ căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam).

Hiện nay, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chíp điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế. Việc đổi tên thẻ còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng đang sử dụng là thẻ căn cước (Identity Card). Việc này sẽ tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN).

Việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân vì theo Luật Căn cước công dân, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; Thẻ căn cước công dân có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này. Theo đó, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.


Tác giả: Hoàng Phúc