Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015
Sáng ngày 10/7/2015, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015. Đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên. Về phía tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Văn Hùng-Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đào Xuân Quí-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Thiếu tướng Lê Duy Hải-Giám đốc Công an tỉnh và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh dự Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tốt, tổng sản phẩm (GDP) ước đạt 58.652 tỷ đồng, tăng 7,34% so cùng kỳ, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 29.045 tỷ đồng, tăng 5,46%, trong đó, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đã thực hiện trên 4,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động do hạn hán và thời tiết bất thường nhưng vẫn phát triển khá ổn định. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi và ngày càng có nhiều mô hình đầu tư thâm canh, sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng cây ăn trái, chè, cà phê, rau, hoa, buôi bò, cá nước lạnh… Chăn nuôi nhiều nơi đã chuyển dần từ nhỏ, lẻ sang quy mô trang trại. Chính sách dân tộc và công tác an sinh xã hội đã được tập trung chăm lo khá tốt. Các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành chủ động thực hiện, trọng tâm là hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 755 của Thủ tướng chính phủ. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã phê duyệt xong đề án và trên cơ sở nguồn vốn Trung ương phân bổ năm 2015 là 100.753,8 triệu đồng để triển khai thực hiện các chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đầu tư các chương trình 135, định canh, định cư cho đồng bào. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đẩy mạnh việc cho vay phát triển sản xuất ở các xã nghèo, thôn, buôn nghèo, góp phần thúc đẩy giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giáo dục, đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào vùng Tây Nguyên tiếp tục được cải thiện, nhất là đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, gia đình chính sách.
Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đã được quan tâm chỉ đạo. Các lực lượng chức năng của ta đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Lào, Campuchia trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới. Triển khai có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, tranh thủ chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào DTTS, kết hợp đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn hoạt động của FULRO, vận động được nhiều đối tượng lẩn trốn trở về. Tập trung giải quyết nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp, bảo đảm an nin nông thôn…
Trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ 10 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, cán bộ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối ngoại, phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, chủ động các biện pháp phòng ngừa, xác lập nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ để đấu tranh phòng, chống, vô hiệu hóa, làm thất bại những âm mưu nhen nhóm phục hồi hoạt động FULRO, “Tin lành Đêga” và một số tà đạo, từng bước bảo đảm vững chắc ANCT, giữ gìn tốt TTATXH, bảo vệ sự bình yên ở các buôn làng Tây Nguyên, kiên trì giáo dục, cảm hóa hàng ngàn người lầm lỗi từ bỏ FULRO, từ bỏ “Tin lành Đêga”, trở lại làm ăn, gắn bó với gia đình, dòng họ, buôn làng và kiểm điểm, xử lý hàng ngàn đối tượng vi phạm, cầm đầu, cốt cán FULRO lén lút hoạt động lừa mị, xúi giục đồng bào ở các buôn làng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo về kết quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên; kết quả đầu tư phát triển thủy lợi và quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; kết quả thực hiện khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng-Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đã báo cáo khái quát một số tình hình về kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2015 và kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng chí nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh, quốc phòng ổn định, hệ thống chính trị các cấp được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững, quan hệ với các tỉnh giáp biên thuộc Lào và Campuchia tiếp tục được củng cố… Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, các cơ quan, ban, ngành liên quan phối hợp hiệu quả, qua đó đã phá rã hệ thống tổ chức FULRO trên địa bàn, bóc gỡ nhiều đối tượng cốt cán FULRO và cơ sở ngầm của FULRO, giáo dục cảm hóa nhiều đối tượng…; đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ‘Tin lành Đêga’ và dấu hiệu phục hồi tổ chức FULRO. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn; đời sống nhân dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS chậm được cải thiện và còn nhiều khó khăn; chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) của tỉnh tụt 12 bậc so với năm 2014; tình hình an ninh, trật tự vẫn còn một số nhân tố phức tạp tiềm ẩn nhất là về an ninh nông thôn, an ninh dân tộc, tôn giáo… Đồng chí kiến nghị trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư và đề ra các giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng-Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo ANQP thời gian tới ở Tây Nguyên như tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ an sinh xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để huy động các nguồn vốn phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và phụ cận; tiếp tục triển khai có hiệu quả quy hoạch thủy lợi; thành lập ‘Quỹ phát triển Cà phê Việt Nam’. Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên. Quan tâm chăm lo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội. Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2015, đối với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng lưu ý cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết thống nhất, giữ gìn triệt để nguyên tắc, kỷ cương của Đảng, Nhà nước; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng Đảng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tập trung đảm bảo an ninh, trật tự, chủ động phòng ngừa trên cơ sở giữ vững bên trong có ý nghĩa quyết định; lấy tấn công để phòng ngừa; xác định “tự bảo vệ” là nội dung cốt lõi của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN và nhân dân. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Tập trung chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1951 ngày 1/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015. Quan tâm chăm lo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị
Về công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tây Nguyên, đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang chỉ đạo, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả giữa các ngành, địa phương với sự tham gia của các đoàn thể trong công tác đảm bảo ANTT, nhất là trong công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa, an ninh xã hội, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn và an ninh biên giới. Tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng và những ngày lễ lớn trọng đại của đất nước diễn ra trong năm 2015.
Trong dịp này, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã tặng Bằng khen cho 32 tập thể và 64 cá nhân của các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều đóng góp và thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang tặng bằng khen cho các cá nhân, đơn vị
Xuân Thủy-Trung Kiên (phòng Tham mưu)