A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động ngoại khoá lớp Đại học An ninh nhân dân hệ VHVL – Khoá III (mở tại Công an tỉnh Kon Tum) đến thăm quan khu di tích lịch sử Quốc Gia Ngục Kon Tum

Sáng ngày 11/5/2022, đồng chí Đại uý Nguyễn Văn Khánh, Giảng viên khoa LLCT-KHXHNV, trường Đại học ANND cùng 120 học viên lớp Đại học ANND hệ VHVL – khoá III (mở tại Công an tỉnh Kon Tum) tổ chức hoạt động ngoại khoá đến tham quan khu di tích lịch sử Quốc Gia Ngục Kon Tum.

Giảng viên, học viên dâng hương tại Tượng đài bất khuất và 02 ngôi mộ chung

 

Tại buổi tham quan, các học viên, giảng viên trường Đại học ANND đã cùng đặt vòng hoa, dâng hương tại Tượng đài bất khuất và 2 ngôi mộ chung, được nghe Hướng dẫn viên kể về Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum (12/12/1931):

Quang cảnh tham quan Khu di tích lịch sử Quốc Gia Ngục Kon Tum

Ngục Kon Tum nằm trên bờ sông ĐăkBla – dòng sông bắt ngang thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, vùng đất Tây nguyên đầy nắng gió với truyền thống anh hùng, bất khuất. Nơi đây đã ghi lại nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cách mạng của quân và dân Kon Tum dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, cuộc đấu tranh của những nguời tù chính trị tại Ngục Kon tum vào tháng 12 năm 1931 là một trong những sự kiện tiêu biểu, góp phần vạch trần tội ác của thực dân xâm lược, buộc chúng phải chấp nhận nhượng bộ, thay đổi chế độ đối xử, cai trị với tù chính trị không chỉ ở Kon Tum còn ở các nhà lao trên toàn Đông Dương. Đồng thời, thể hiện bản lĩnh, khí phách hiên ngang, sẵn sàng hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Cộng sản trong gồng cùm, xiềng xích, không có vũ khí trong tay, đứng lên chống lại kẻ thù, chống lại chính sách áp bức, bóc lột, hà khắc của thực dân Pháp và tay sai. Cuộc đấu tranh đã đi vào lịch sử, là biểu tượng của lòng yêu nước tinh thần quả cảm, trung kiên. Chính bởi vậy, qua 91 năm đã trôi qua, những trang lịch sử ấy vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân tỉnh kon Tum nói riêng và cả nước nói chung, mãi minh chứng cho chiến công oanh liệt, cho khí tiết bất khuất, sự hy sinh anh dũng của các bậc chiến sĩ cách mạng với tinh thần quyết tử “Chết để sống”, “Chết một người để cứu sống muôn người”.

Nhà ngục Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915-1917, là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên nhằm đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân ta. Từ năm 1929, thực dân Pháp đã bắt đầu đưa tù nhân chính trị từ nơi khác về giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum (gần 300 tù chính trị) với âm mưu thâm độc, nhằm cách ly những người Cộng sản với phong trào cách mạng ở miền xuôi, đồng thời lợi dụng nơi rừng thiêng, nước độc, lao động khổ sai để giết dần, giết mòn những người tù chính trị. Người tù chính trị đầu tiên là đồng chí Ngô Đức Đệ, người lập ra Chi bộ Binh – Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Kon Tum, bị thực dân Pháp đưa lên giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum vào tháng 6-1930. Trong quá trình giam cầm các chiến sĩ cách mạng, thực dân Pháp đã bắt tù chính trị ra công trường thi công đường 14 ở Đăk Pao làm việc quần quật với bệnh tật, sốt rét, kiết lỵ, những trận đòn roi liên miên, những chiêu trò giết người man rợ. Chỉ vỏn vẹn trong 6 tháng thi công đoạn đường 15 km (từ tháng 12-1930 đến tháng 6-1931), đã có tới 150 trong số gần 300 tù chính trị chết thảm, những người sống sót cũng chỉ còn “da bọc xương với bệnh tật đầy người”. Đỉnh cao là cuộc đấu tranh lưu huyết vang dậy núi rừng của các tù chính trị để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường 14 lần thứ hai. Với quyết tâm đấu tranh đến cùng, sáng ngày 12-12-1931, khi thực dân Pháp thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pét làm đường đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở Lao ngoài, trong đó có nhiều đồng chí trong Đội Cảm tử, Quyết tử và Ban phụ trách nhà lao. Anh em tù chính trị đã đóng chặt cửa, hô vang khẩu hiệu “phản đối đi làm đường”,” phản đối cuộc đi Đăk Pét” “phản đối chính sách tàn án của Chính phủ đối với chính trị phạm”…..

Chiều ngày 13/12/1931, bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân được chuẩn bị và dịch ra tiếng Pháp, tiếng dân tộc địa phương. Nội dung tuyên ngôn vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp, đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo này. Tuyên ngôn còn thể hiện thái độ rất kiên quyết đấu tranh của tù chính trị chống đi đày lần thứ hai, với lời lẽ: “ Chúng tôi kiên quyết đấu tranh chống chế độ đối xử phi pháp và vô nhân đạo đối với tù chính trị. Thà chúng tôi phải chết ở đây, ở tỉnh Kon Tum này, còn hơn là đi làm đường lần thứ hai để chết trên rừng núi hoang vu”…..

Cuộc đấu tranh cứ thế tiếp diễn và ngày một sục sôi hơn. Đến ngày 15/12/1931, anh em tuyệt thực được 4 ngày. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết của các tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp một lần nữa đã nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực, làm 07 đồng chí hy sinh và 08 đồng chí bị thương, đồng thời áp giải, phân tán số tù nhân còn lại và dập tắt cuộc đấu tranh trong đẫm máu.

Cuộc đấu tranh Lưu huyết và tuyệt thực của các chiến sĩ Cộng sản tại nhà lao Kon Tum đã gây tiếng vang lớn trong dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người, làm cho Nhân dân trong nước và trên thế giới thấy rõ hơn về chính sách cai trị lao tù tàn bạo của Pháp ở Đông Dương.

Sức lan tỏa của cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực đã buộc thực dân Pháp phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc, chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của các tù chính trị đưa ra, từ bỏ việc xây dựng đường 14; đặc biệt đến năm 1934 thực dân Pháp phải bỏ hẳn Nhà lao Kon Tum.

91 năm kể từ ngày thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên và 91 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết đã trôi qua, hình ảnh những người tù chính trị tại Ngục Kon Tum ngã xuống vì độc lập, tự do cho đất nước, vì lý tưởng cao đẹp vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim của bao thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau. Tự hào lại chặng đường lịch sử đầy vẻ vang, tự hào với những thành quả to lớn với thế và lực của tỉnh nhà, tin tưởng rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn dân các dân tộc tỉnh Kon Tum chắc chắn sẽ giữ vững và phát huy truyền thống quý báu mà các thế hệ cha ông đã tạo dựng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng và đa dạng về văn hoá, cùng Nhân dân cả nước biến mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thành hiện thực.

Kết thúc buổi hoạt động ngoại khoá, đã giúp mỗi học viên lớp Đại học ANND- khoá III được vun đắp thêm truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, xây dựng động cơ học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp, để xứng đáng hơn nữa với sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

Phương Quý

 

 


Tin liên quan