A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện của lực lượng Công an cơ sở các tỉnh, thành phố phía Nam

Nội dung bài viết nghiên cứu một số kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện của lực lượng Công an cơ sở các tỉnh, thành phố phía Nam. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện thời gian tới.

         Công tác vận động quần chúng của lực lượng Công an cơ sở đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Năm 2009 cả nước có 122.383 người nghiện có hồ sơ quản lý (chưa tính số người nghiện trong các cơ sở tập trung) thì đến năm 2018 có 222.582 người nghiện, tăng hơn 100.199 người so với năm 2009[1]; độ tuổi người nghiện có xu hướng ngày càng trẻ hóa (trên 70% số đối tượng ở tuổi thanh niên), 25% là đối tượng nữ, thành phần xã hội cũng đa dạng hơn; trung bình hàng năm trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam xảy ra 20.293 vụ phạm pháp hình sự (chiếm 49,62% số vụ trên cả nước), trong đó số vụ phạm pháp hình sự do người nghiện ma túy gây ra chiếm khoảng 21,75%, đặc biệt là các nhóm tội phạm về ma túy (chiếm 71,03%) và nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp, trộm cắp, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt (chiếm 21,84%)[2].
Thực tế công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện thời gian qua cho thấy, lực lượng Công an cơ sở các tỉnh, thành phố phía Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể: Từ năm 2009 đến 2018, quần chúng nhân dân đã cung cấp 901.088 tin liên quan đến ANTT, trong đó có 511.207 tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá 325.156 vụ, bắt giữ 586.048 đối tượng; xây dựng được 771 Ban với 26.459 thành viên Bảo vệ dân phố (chiếm 40,45% trong tổng số 1.906 Ban và chiếm 37,19% trong tổng số 71.133 thành viên của cả nước); 1.514 Đội với 7.423 thành viên của lực lượng Dân phòng; 91 Câu lạc bộ phòng chống tội phạm với 4.701 thành viên và nhiều tổ chức khác[3]; đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm có hiệu quả như mô hình “Quản lý, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư” (gọi tắt là mô hình “5+1”) của Công an Phường 4, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình “Camera giám sát an ninh” của Công an phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; mô hình “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự, an toàn xã hội” của Công an thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau… Đã tổ chức 15.195 buổi tuyên truyền, vận động, thu hút sự tham gia của 3.152.900 lượt người, xây dựng 1.198.185 chương trình phát thanh tuyên truyền, tiến hành phát 459.800 tờ rơi tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm nói chung và tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện nói riêng.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện của lực lượng Công an cơ sở các tỉnh, thành phía Nam ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn còn chưa huy động được sự tham gia rộng rãi và tích cực của quần chúng nhân dân. Trong khi đó, quá trình thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng của nhiều cán bộ chiến sỹ vẫn còn chưa thật sự đa dạng, một số biện pháp được sử dụng mang nặng tính hình thức, chẳng hạn như tuyên truyền qua phát thanh trên loa (tiến hành theo giờ có thể là 5h hoặc 17h hàng ngày, không theo chuyên đề cụ thể, chỉ phát một lần mà không quan tâm người nghe có nghe kịp hay có chú ý lắng nghe hay không) hoặc khi tuyên truyền tại buổi họp dân, họp tổ dân phố thì CSKV hầu như chỉ đánh giá tình hình ANTT, tuyên truyền biểu hiện nhưng không hướng dẫn cụ thể cách phòng tránh như thế nào? thậm chí chạy theo phong trào (dịp lễ hay cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm). Bên cạnh đó, các mô hình, tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT do lực lượng Công an cơ sở xây dựng vẫn còn chưa thật sự hiệu quả, số lượng mô hình, tổ chức quần chúng được xây dựng nhiều nhưng số lượng mô hình, tổ chức quần chúng tiêu biểu còn ít. Chính những điều này đã dẫn đến hoạt động phòng ngừa tội phạm của lực lượng Công an cơ sở ở nhiều nơi diễn ra suy yếu, thậm chí bị tê liệt.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia hoạt động phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện của lực lượng Công an cơ sở trong thời gian tới, chúng tôi trao đổi một số kinh nghiệm như sau:
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lực lượng Công an cơ sở tiến hành công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện.
Trước hết việc nâng cao nhận thức có thể gắn với các buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng, lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, tổ chức học tập chuyên đề hay trong các buổi họp công tác chuyên môn của từng đơn vị để từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, nâng cao nhận thức và hành động của bản thân – xem đây là chỉ tiêu công tác không chỉ của đơn vị mà còn đối với từng cá nhân cán bộ phụ trách địa bàn. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được quy định[4] lực lượng Công an cơ sở xác định trách nhiệm, phân công nhiệm vụ trong quá trình tiến hành công tác vận động quần chúng phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện, xác định những nội dung nào thuộc về trách nhiệm cá nhân, nội dung nào thuộc về trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể để xây dựng chương trình kế hoạch cũng như cơ chế sử dụng biện pháp này cho phù hợp. Ban Chỉ huy Công an phường, xã, thị trấn thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là tổ chức lấy ý kiến của quần chúng nhân dân về công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện của lực lượng Công an cơ sở. Ngoài ra, cần chấn chỉnh công tác trực ban, tiếp nhận thông tin của các tổ chức, công dân; thông báo công khai số máy điện thoại trực ban Công an xã, phường, thị trấn và triển khai hộp thư tố giác tội phạm ở thôn, bản, ấp, khu phố ở địa bàn dân cư cơ sở.
Hai là, lực lượng Công an cơ sở cần thường xuyên làm tốt công tác điều tra nghiên cứu, nắm tình hình phục vụ xây dựng kế hoạch tiến hành công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện.
Trong công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, để phục vụ tốt cho việc tiến hành công tác vận động quần chúng, lực lượng Công an cơ sở cần nắm tốt các thông tin sau: Vị trí, đặc điểm địa bàn; tình hình hoạt động của các đối tượng, người nghiện ma túy có nguy cơ phạm tội; những hiện tượng nghi vấn, tình hình tệ nạn xã hội; thông tin về trình độ nhận thức, ý thức tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của cộng đồng dân cư; thông tin dân số, đặc biệt người tạm trú trong số đó cần nắm bắt được số người nghiện ma tuý từ thôn, bản, ấp, khu phố… đến xã, phường, thị trấn; tình hình diễn biến của phong trào quần chúng ở từng địa bàn trong từng giai đoạn khác nhau. Để thu thập đầy đủ những thông tin nói trên, lực lượng Công an cơ sở có thể thu thập thông qua hoạt động điều tra xã hội học, tổng kết, thu thập từ những tài liệu sẵn có trong đó chú ý phát huy tác dụng của các lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ của ngành.
Ba là, đổi mới nội dung và phương pháp tiến hành công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện của lực lượng Công an cơ sở theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn.
Nội dung tiến hành cần bám sát yêu cầu địa bàn, những nguyện vọng chính đáng, các vấn đề có ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến đời sống của người nghiện ma túy. Ngoài ra, lực lượng Công an cơ sở tiến hành tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng xã hội, tích cực tham gia các hoạt động tố giác tội phạm, giám sát, quản lý người nghiện ma túy; tích cực tham gia các hoạt động mang tính xã hội rộng rãi để xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện của tình trạng tội phạm trên từng khu dân cư ở địa bàn cơ sở; cần chú trọng tuyên truyền đến từng hộ gia đình, đặc biệt đối với hộ có người nghiện ma túy đang có những vướng mắc, khó khăn về vật chất và tinh thần. Nội dung tuyên truyền nên dễ hiểu, có hình ảnh sinh động, tránh tràn lan, dài dòng. Hình thức tuyên truyền thích hợp nhất là tuyên truyền trực tiếp thông qua hoạt động tiếp xúc người nghiện ma túy và quần chúng nhân dân. Ngoài ra, khi tiến hành công tác tuyên truyền, lực lượng Công an cơ sở phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để tổ chức các buổi giao lưu văn hóa – thể thao, chiếu phim tư liệu, phát tờ rơi có số đường dây nóng.
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng và duy trì các mô hình quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện.
Việc xây dựng các mô hình phải xuất phát từ yêu cầu bảo vệ ANTT tại địa bàn đó, đặc điểm địa bàn và phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Trong quá trình xây dựng các mô hình quần chúng tham gia vào hoạt động phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện ngoài các mô hình đã có, lực lượng Công an cơ sở cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình mới để phát huy sức mạnh, sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân theo phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” trong phòng chống tội phạm. Thường xuyên xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến trong phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trong khi thi hành phải theo dõi, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”[5]. Vì vậy, việc thường xuyên xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến trong phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện là việc làm có ý nghĩa và tác dụng to lớn trong việc phát huy vai trò, sức mạnh của các mô hình quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện; rút ra những kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong thực tế hoạt động của các mô hình. Đồng thời, phải biểu dương, khen thưởng những mô hình tiên tiến để nhân rộng.
Tóm lại, trong công tác vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện cần tiến hành đồng bộ các nội dung trên mới có được những kết quả khả quan trong thực tiễn công tác. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an cơ sở các tỉnh, thành phố phía Nam trong phòng ngừa tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện.
Nguồn: Tạp chí KHGD CSND